Bản quyền ASIAD tăng vì… U23 Việt Nam?
Từ sự kiện VTV chê giá bản quyền truyền hình ASIAD 2018 quá đắt, giới truyền hình cho rằng chính hiệu ứng U23 Việt Nam khiến các cuộc thương lượng sắp tới sẽ vô cùng khó khăn
Một ngày sau khi VTV tuyên bố không mua bản quyền truyền hình của Á vận hội (gọi tắt là ASIAD) 2018 do mức giá mà đơn vị sở hữu KJSM World Corp của Hàn Quốc đưa ra quá cao, một bộ phận khán giả và người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn tin rằng đó chỉ là chiêu trò ép giá của nhà đài, giống như cách VTV từng đợi sát ngày World Cup 2018 khởi tranh mới chốt giá, khiến báo chí tốn không ít giấy mực, còn dư luận cũng tranh luận dữ dội.
Có thông tin cho rằng KJSM World Corp báo giá 2 triệu USD để sở hữu độc quyền phát sóng ASIAD 2018 nhưng VTV đã từ chối mua. Đồng thời, nhà đài này chỉ sẵn sàng trả một mức giá rất thấp để có được quyền phát sóng không độc quyền trên các kênh quảng bá như VTV3, VTV6. Khi đó, VTV sẽ bán quảng cáo để lấy thu bù chi. Chính những yếu tố này nên cả hai phía không tìm được tiếng nói chung trong việc đàm phán.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới làm truyền hình, mọi chuyện có thể vẫn chưa ngã ngũ và cũng không loại trừ khả năng có những nhà đài khác nhảy vào mua bản quyền, tất nhiên với giá cũng không quá cao. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình, trừ một bộ phận những người yêu thích võ thuật, điền kinh, bơi lội hay bắn súng quan tâm đến ASIAD, trước đây, sự kiện thể thao này ít được người Việt Nam chú ý, đặc biệt là CĐV bóng đá. "Thậm chí năm 2014, dưới sự dẫn dắt của HLV Toshiya Miura, đội tuyển Olympic Việt Nam dù đánh bại cả Iran để vào đến vòng 2 ASIAD nhưng cũng không tạo được hiệu ứng đáng kể. Lúc đó, khán giả chỉ thích xem lứa U19 của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... Thế nhưng, kể từ sau chiến tích giành HCB giải U23 châu Á 2018, giới truyền hình bắt đầu chịu sự tác động rõ rệt của hiệu ứng U23. Hay nói cách khác là thầy trò HLV Park Hang-seo đá giải nào thì đơn vị sở hữu bản quyền tăng giá giải đấu đó" - chuyên gia này bình luận.
Tán đồng ý kiến trên, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng hiệu ứng U23 Việt Nam thực tế đã tác động mạnh tới quá trình đàm phán bản quyền ASIAD 18 tại Việt Nam và là một trong những nguyên nhân khiến VTV không có bản quyền. "Nhờ các kênh nghiên cứu thị trường, những đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu (đa phần là nước ngoài) thừa biết hiệu ứng đó sẽ tạo áp lực khiến các đài trong nước phải tìm cách phát sóng các trận đấu bóng đá có sự góp mặt của thầy trò HLV Park Hang-seo. Cứ thế, các đối tác sẽ tìm cách ép giá các đài Việt Nam. Không chỉ ASIAD mà AFF Cup 2018 rồi Asian Cup 2019 đều như thế" - ông Huy phân tích.
Bản quyền truyền hình thể thao luôn là cuộc chơi đầy phiêu lưu đối với các đài. Nếu không may đội tuyển thua thì nguy cơ mất khán giả cũng cao.
Anh Dũng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội