Bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng khi bị Trung Nguyên kiện đòi bồi thường hơn 1.700 tỉ đồng
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bà hiện là chủ sở hữu Trung Nguyên, cùng chồng (ông Đặng Lê Nguyên Vũ) nắm giữ hơn 93% tài sản của tập đoàn này, bao gồm tài sản hữu hình và vô hình. Nhà máy Bắc Giang vẫn đang được bà Diệp Thảo vận hành bình thường, được thanh tra thuế cẩn trọng và đúng pháp luật.
Ít ngày qua, thông tin công ty CP Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC, dưới tên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ) đệ đơn lên tòa án yêu cầu bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao trả nhà máy cà phê Bắc Giang, đồng thời yêu cầu bà bồi thường số tiền 1.709.182.766.009 đồng vì đã gây thiệt hại cho công ty này, một lần nữa gây chú ý dư luận về số phận pháp lý của thương hiệu Trung Nguyên Coffee.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được biết đến là người đồng sáng lập thương hiệu Trung Nguyên Coffee và đang là vợ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chủ tịch, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên). Theo phản hồi từ bà Diệp Thảo, vợ chồng bà nắm giữ hơn 93% tài sản của tập đoàn này, bao gồm tài sản hữu hình và vô hình. Tuy nhiên, thời gian dài trước đây bà chọn cho mình vị thế của một "nội tướng" trong tập đoàn, ít xuất hiện trước truyền thông.
Cho đến khi những tranh chấp với ông Vũ về quyền sở hữu Trung Nguyên xảy ra, bà Diệp Thảo đã quyết định phá vỡ sự im lặng, khi liên tục xuất hiện trên truyền thông để "nói lại cho rõ" nội tình của Trung Nguyên, những vụ tranh chấp. Lúc này, bà Diệp Thảo cũng đã sắm cho mình vị thế mới, là sáng lập kiêm tổng giám đốc công ty TNHH Một thành viên TNI, Tổng giám đốc CTCP Hòa tan TNI và cho ra mắt thương hiệu cà phê King’s Coffee...
Những lùm xùm kiện tụng gắn với bà Diệp Thảo vừa qua, là diễn tiến của nhiều vụ đáo tụng đình đã diễn ra trong vài năm qua. Diễn biến mới nhất là đầu tháng 5.2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang ra thông báo thụ lý vụ án Trung Nguyên IC khởi kiện yêu cầu bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao trả nhà máy cà phê Bắc Giang (đây là nhà máy duy nhất của Trung Nguyên mà bà Thảo đang điều hành để xuất khẩu các sản phẩm cà phê G7 ra quốc tế). Trước đó, tháng 7.2017 Trung Nguyên IC nộp khởi kiện lên Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
Theo đơn khởi kiện, Trung Nguyên IC yêu cầu bà Diệp Thảo trả lại công ty các tài sản, gồm: Chi nhánh CTCP cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang; các thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, hàng hóa... tại Lô B (B2), Khu công nghiệp Quang Châu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Trung Nguyên IC buộc bà Diệp Thảo chấm dứt hành vi sử dụng trái phép chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang để sản xuất sản phẩm King's Coffee.
Ngoài ra, bà Diệp Thảo phải giao trả Trung Nguyên IC con dấu, các hồ sơ, giấy tờ pháp lý của chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang.
Đơn khởi kiện cũng yêu cầu bà Diệp Thảo chấm dứt hành vi cản trở trái phép người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đứng đầu chi nhánh tại Bắc Giang, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị ra vào chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo điều lệ công ty và luật Doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, Trung Nguyên IC còn buộc bà Diệp Thảo bồi thường số tiền 1.709.182.766.009 đồng (ước tính đến tháng 4.2017), trả một lần ngay khi bản án có hiệu lực thi hành, vì đã gây thiệt hại cho công ty này. Đồng thời, bà Diệp Thảo phải bồi thường cho Trung Nguyên IC số tiền thiệt hại tính từ tháng 5.2017 cho đến khi bàn giao chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang cho Trung Nguyên IC.
Ngày 1.11.2017, nhận thấy chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trên (Quyết định Tạm đình chỉ vụ án kinh doanh thương mại số 02/2017/QĐST-KDTM)
Ngày 8.11.2017, Trung Nguyên IC đã kháng cáo quyết định tạm đình chỉ trên.
Về phần mình, trong văn bản gửi đến TAND cấp cao tại Hà Nội ngày 5.3.2018, bà Diệp Thảo nhấn mạnh không đồng ý với thủ tục tố tụng và nội dung đơn khởi kiện nêu trên vì không có cơ sở pháp lý, không có chứng cứ và vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Dân sự. Ngoài ra, bà cũng thông báo đã nhiều lần kiến nghị đến TAND tỉnh Bắc Giang không xem xét hay chấp thuận bất kỳ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp nào liên quan làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và nhà máy Bắc Giang.
Lên tiếng về vụ kiện, đặc biệt là số tiền bị Trung Nguyên kiện đòi bồi thường, bà Diệp Thảo khẳng định vụ kiện yêu cầu bà bồi thường cho Trung Nguyên IC hơn 1.700 tỷ đồng là vô căn cứ. Những cơ sở pháp lý được bà Diệp Thảo đưa ra, gồm:
Thứ nhất, ông Vũ không phải là người đại diện hợp pháp cho Trung Nguyên IC tại thời điểm ký đơn khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại này. Trong đơn khởi kiện, ông Vũ đã căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 8 cấp ngày 21.4.2016 của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.
Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 8 này đã trái với Điều lệ của Trung Nguyên IC. Theo Điều lệ công ty: không cho phép Tổng Giám đốc được đồng thời làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) của doanh nghiệp khác (Khoản 2 Điều 29 Điều lệ Trung Nguyên IC). Sự việc tranh chấp này đang được TAND tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết và hiện vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Vì vậy, việc ông Vũ nhân danh người đại diện theo pháp luật của Trung Nguyên IC để khởi kiện vụ án này là không có cơ sở pháp lý.
Thứ hai, khối tài sản của vợ chồng Trung Nguyên đã được TAND TP.HCM ban hành Quyết định trưng cầu kiểm toán số 2836/2017/QĐ-TCKT (ngày 8.8.2017) và Quyết định trưng cầu thẩm định giá tài sản số 5148/QĐ-TCGĐ (ngày 27.12.2017). Theo đó TAND TP.HCM đã ủy thác cho TAND tỉnh Bắc Giang tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ, định giá tài sản tranh chấp là nhà máy Bắc Giang.
Thứ ba, tháng 8.2017, TAND TP.HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ khối tài sản chung của vợ chồng là đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên.
Thứ tư, nhằm bảo vệ khối tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, TAND TP.HCM đã ban hành công văn số 4451/TATP-TLĐ ngày 22.11.2017 với những thông tin quan trọng như ông Vũ và bà Thảo đang sở hữu đến hơn 93% tài sản hữu hình và vô hình tại Trung Nguyên, việc tranh chấp và phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân đang chờ Tòa án giải quyết.
Theo bà Diệp Thảo, vụ kiện đòi hơn 1.709 tỷ đồng chỉ là một vụ kiện điển hình trong một loạt vụ kiện mà Trung Nguyên IC thực hiện, nhằm loại bà ra khỏi quyền điều hành, quyền kiểm soát khối tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên.
Trước đó, trong một thông cáo báo chí gửi rộng rãi cho nhiều cơ quan báo đài ngày 15.5.2018, bà Diệp Thảo đã khẳng định: “Trung Nguyên đang bị thao túng!”.
Hơn 2 năm chưa thể ly hôn vì không kiểm toán được Trung Nguyên
Hơn 2 năm kể từ ngày bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn ly hôn tại TAND TP.HCM ngày 17.11.2015 (theo Thông báo thụ lý vụ án số 499/TB-TLVA), đến nay vụ án ly hôn giữ hai vợ chồng là đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên vẫn chưa có hồi kết.
Ngày 8.8.2017, TAND TP.HCM đã ban hành Quyết định trưng cầu kiểm toán số 2836/2017/QĐ-TCKT đối với Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, 9 tháng qua việc kiểm toán các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên vẫn không thực hiện được. Lý giải về việc này, luật sư của bà Diệp Thảo cho biết “Phía Tập đoàn Trung Nguyên luôn tìm cách chống đối, né tránh và bất hợp tác trước yêu cầu kiểm toán.”
Tháng 8.2017, TAND TP.HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ khối tài sản chung của vợ chồng là đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên.
Diễn biến vụ tranh chấp giữa vợ chồng là đồng sở hữu Trung Nguyên
- Tháng 4.2015, Trung Nguyên ra quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Để đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh quốc tế, bà Thảo vẫn tiếp tục điều hành công ty Trung Nguyên International có trụ sở tại Singapore.
- Tháng 11.2015, Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức họp Hội đồng quản trị để tiếp tục bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Thảo tại công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC).
- Ngày 11 và ngày 29.3.2016, Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức họp Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông để thay đổi từ người diện theo pháp luật của Trung Nguyen IC từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cũng trong tháng 3.2016, Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức họp Hội đồng thành viên công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê để bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Diệp Thảo tại công ty và bổ nhiệm ông Vũ vào các chức danh này.
- Ngày 21.4.2016, Trung Nguyên làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8 từ bà Thảo sang ông Vũ.
- Tháng 7.2017, Tập đoàn Trung Nguyên đệ đơn lên TAND tỉnh Bắc Giang yêu cầu bà Thảo giao trả nhà máy cà phê Bắc Giang, yêu cầu bà Thảo bồi thường số tiền 1.709.182.766.009 đồng.
- Ngày 22.9.2017, TAND TP.HCM đã có phán quyết khôi phục tư cách Phó Tổng Giám đốc của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.
- Ngày 10.10.2017, Tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo bản án này và tiếp tục ra Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo.
- Ngày 7.2.2018, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án. Nhưng ngay trước phiên xét xử, trung Nguyên đã có đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.
- Tháng 8.2017, Tập đoàn Trung Nguyên gửi đơn khởi kiện tố bà Thảo cướp con dấu của tập đoàn. Ngày 23.4.2018 bà Thảo đã nộp đơn kháng cáo bản án này.
Đầu năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên lại tiếp tục nộp các đơn khởi kiện bà Thảo tại TAND TP.HCM (thêm 4 vụ kiện mới) với những nội dung cáo buộc bà Thảo cướp, chiếm đoạt các con dấu.
- Tháng 9.2017, Tập đoàn Trung Nguyên gửi đơn đến Tổng Cục Hải Quan đề nghị kiểm tra, giám sát các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hàng loạt lô hàng G7 từ nhà máy cà phê Bắc Giang đang chuẩn bị xuất đi thị trường quốc tế bị giữ lại tại nhiều cửa khẩu. Sau đó Tổng Cục Hải Quan đã ban hành văn bản chỉ đạo các Cục Hải Quan nhanh chóng giải phóng các lô hàng xuất khẩu đang bị tạm giữ và không tiếp tục tạm giữ các lô hàng xuất khẩu sắp tới.
Trọng Văn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường