Áp biện pháp khẩn cấp việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT, Eximbank gửi đơn khiếu nại
Trong đơn khiếu nại, Eximbank khẳng định, ông Lê Minh Quốc không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này là trái pháp luật và gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Eximbank. Eximbank yêu cầu Tòa án nhân dân TP HCM hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân TP HCM. Quyết định này do Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung ký ban hành ngày 27.3 vừa qua.
Cụ thể, trong đơn khiếu nại ngày 28.3 do Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy VIên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Min Hưng và Chánh án TAND TP HCM, Eximbank nêu rõ những căn cứ để ngân hàng thực hiện khiểu nại vì cho rằng quyết định của Tòa án TP HCM là trái luật.
Đơn khiếu nại của Eximbank được gửi đi ngay sau khi Tòa án nhân dân TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT là ông Lê Minh Quốc để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Được biết, quyết định của TAND TP.HCM đưa ra sau khi thụ lý hồ sơ vụ án tranh chấp thành viên công ty tại Eximbank của nguyên đơn Lê Minh Quốc. Ông Quốc cho rằng, việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT là trái với quy định của Eximbank.
Yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp luật
Về phía người khởi kiện, trong đơn khiếu nại, HĐQT Eximbank cho rằng, ông Lê Minh Quốc không được quyền khởi kiện kết quả bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT mới của ngân hàng này nếu chiếu theo Luật Doanh nghiệp 2014.
Theo khoản 1, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, người khởi kiện phải sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng.
Ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND TP đã thụ lý.
HĐQT Eximbank cho rằng, vì người khởi kiện không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật.
"Vì người khởi kiện không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật" – Eximbank nêu rõ.
Về thẩm quyền thụ lý vụ án, Eximbank nhận định việc Tòa án thụ lý vụ kiện tranh chấp thành viên công ty của nguyên đơn Lê Minh Quốc là không đúng thẩm quyền nếu đối chiếu với Điều 31 trong Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Phản tố lại việc nguyên đơn khởi kiện Lê Minh Quốc cho rằng, cuộc họp HĐQT của Eximbank ngày 22.3.2019 và ban hành Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT là trái pháp luật, không phù hợp với điều lệ Eximbank, HĐQT ngân hàng này khẳng định điều này là “không đúng”.
Trong đơn khiếu nại, Eximbank phân tích, theo Khoản 1, Điều 48, Điều lệ Eximbank thì HĐQT có thẩm quyền họp để bầu Chủ tịch và ra các quyết định khác; Khoản 2, Điều 48 quy định HĐQT có thể họp định kỳ hoặc bất thường; Khoản 9, Điều 48 quy định cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên trở lên dự họp.
Trường hợp không trực tiếp dự họp, thành viên HĐQT có quyền ủy quyền biểu quyết cho một thành viên HĐQT khác hoặc gửi ý kiến biểu quyết bằng văn bản; Khoản 11, Điều 48 quy định quyết định của HĐQTđược thông qua nếu được đa số phiếu tán thành, bao gồm cả phiếu biểu quyết bằng văn bản và biểu quyết theo ủy quyền.
Theo Khoản 2, Điều 92, Điều lệ Eximbank và Khoản 8, Điều 153, Luật Doanh nghiệp thì cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp.
Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp.
Hiện tại, HĐQT Eximbank có 10 thành viên, theo quy định các cuộc họp của HĐQT sẽ được tiến hành khi có từ tối thiểu 8 thành viên dự họp lần thứ nhất, nếu không triệu tập đủ số thành viên theo quy định thì sẽ triệu tập cuộc họp lần 2 trong vòng 7 ngày tiếp theo và phải có tối thiểu 6 thành viên.
Trên thực tế, cuộc họp HĐQT ngày 22.3.2019 là cuộc họp HĐQT được triệu tập lần thứ 2 của Eximbank sau cuộc họp HĐQT lần thứ nhất ngày 26.2.2019 không thành do không đủ thành viên tham gia. Trong cuộc họp lần 2 này, có 7 thành viên tham dự (yêu cầu tối thiểu là 6 thành viên).
Từ các quy định trên, cuộc họp của HĐQT Eximbank ngày 22.3.2019 và ban hành Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT là thực hiện đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ Eximbank. Vì vậy, nội dung và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp luật.
"Cuộc họp của HĐQT Eximbank ngày 22.3 và ban hành nghị quyết số 112 bầu chủ tịch mới là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ của ngân hàng. Do đó, nội dung cũng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp luật", Eximbank lập luận.
Eximbank yêu cầu hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Từ những căn cứ khẳng định quy trình bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT của Eximbank là đúng. Theo Eximbank, việc Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý vụ án số 34/2019/KDTM-ST ngày 26.3.2019 về việc tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014, Điều lệ của Eximbank, Bộ luật Tố tụng Dân sự, dẫn đến việc Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27.3.2019 cũng không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Eximbank.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Eximbank, tránh những thiệt hại không đáng có gây ra cho Eximbank, các cổ đông của Eximbank, Eximbank căn cứ Khoản 1, Điều 138, Điều 140 Bộ luật Tố tụng Dân sự khiếu nại và yêu cầu hủy toàn bộ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27.3.2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
Eximbank đã có đơn khiếu nại đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM căn cứ thẩm quyền của Chánh án được quy định tại Khoản 1, Điều 141, Bộ luật Tố tụng Dân sự để xem xét đơn khiếu nại của Eximbank. Đồng thời căn cứ Khoản 1, Điều 138, Điều 140 Bộ luật Tố tụng Dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan để hủy bỏ toàn bộ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM và yêu cầu Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung đình chỉ vụ án thụ lý số 34/2019/KDTM-ST ngày 26.3.2019.
“Buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại do yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng”, Eximbank kiến nghị trong đơn khiếu nại.
Ngày 22.3.2019, Eximbank bất ngờ thông báo việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2010 là bà Lương Thị Cẩm Tú, thay thế ông Lê Minh Quốc bị miễn nhiệm căn cứ theo Nghị quyết 112 của HĐQT.
Tuy nhiên, đến ngày 25.3, ông Lê Minh Quốc đã lên tiếng về những dấu hiệu “bất thường” trong hoạt động của HĐQT Eximbank, nhất là liên quan tới việc triệu tập cuộc họp HĐQT và ban hành Nghị quyết số 112 thông qua việc miễn nhiệm ông Quốc và bầu bà Tú thay thế chức Chủ tịch HĐQT- người được bầu vào HĐQT Eximbank hồi tháng 4.2018.
Được biết, ngày 20.3.2019, ông Lê Minh Quốc đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22.3 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Nhưng cuộc họp này vẫn diễn ra, thông qua việc bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, thực hiện ngay bằng Nghị quyết 112.
“Phiên họp ngày 22.3.2019 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật. Bằng trách nhiệm của mình, tôi sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng nhằm giữ vững sự ổn định trong hoạt động của Eximbank”, ông Quốc chia sẻ với báo chí.
Cùng ngày 25.3.2019, Eximbank đã phản hồi những thông tin lan truyền từ “tâm thư” của ông Lê Minh Quốc là không chính xác. Song Eximbank không cho biết số lượng thành viên đã tham dự cuộc họp quan trọng ngày 22.3.2019 để thay đổi Chủ tịch HĐQT.
Ngày 27.3, Toà án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank.
L.T
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở