An toàn thực phẩm tại các làng nghề: Vẫn còn bỏ ngỏ

Chủ nhật, 10/06/2018, 18:21 PM

Việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, trong khi những kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP) không được thực hiện đúng quy trình đã khiến các làng nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP.

Nhiều làng nghề tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Nhiều làng nghề tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 200 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Việc phát triển làng nghề đã giúp các địa phương thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển là ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Để làng nghề phát triển bền vững, thời gian qua, TP. Hà Nội đã ban hành và phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP; khuyến khích áp dụng phương pháp quản lý ATTP thực hành sản xuất tốt, vệ sinh tốt; xây dựng và phát triển các mô hình điểm làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống tiên tiến; thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm về ATTP, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm uy tín…

Mặc dù vậy, việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chế biến thực phẩm truyền thống vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Tại nhiều cơ sở, khu vực sản xuất thực phẩm đặt gần chuồng lợn hay những nơi không đảm bảo vệ sinh; sản phẩm được phơi vào phên tre, nứa bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải chưa có nắp đậy, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Bên cạnh đó, người trực tiếp tham gia sản xuất không đội mũ che tóc, không đeo khẩu trang, găng tay...

Nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2018, Đoàn liên ngành của TP. Hà Nội vừa kiểm tra cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình (phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành vẫn ghi nhận điều kiện sản xuất của cơ sở chưa bảo đảm; nguyên liệu để làm bánh (gạo, thịt, mộc nhĩ…) không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Còn tại làng nghề Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, huyện Thường Tín) - một trong những điểm cung cấp bánh kẹo thủ công lớn nhất của Hà Nội, qua khảo sát, điều kiện sản xuất của nhiều hộ dân rất sơ sài, chưa bảo đảm một số tiêu chí về ATTP. Được biết, làng nghề Cổ Hoàng hiện có 35 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay chưa có cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận ATTP.

Để bảo đảm ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm; đồng thời, nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP tại các làng nghề, theo ông Tạ Văn Trường - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn với hậu kiểm, đặc biệt là tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm dù là nhỏ nhất. Bởi chỉ có như vậy mới tạo được sức răn đe, chế tài đủ nặng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở thực hiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15 của Chính phủ. 

Các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về kỹ thuật, biện pháp xử lý chất thải, xây dựng cụm công nghiệp, làng nghề tập trung để đưa hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn, nâng cao nhận thức hơn nữa cho các hộ sản xuất về ATTP.

Thanh Tâm

Theo Baocongthuong

largeer