Ăn nên làm ra, Grab tiếp tục đầu tư khủng tại Việt Nam

Thứ tư, 04/09/2019, 09:43 AM

Grab hiện là cái tên hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ kết nối ăn uống, di chuyển và thanh toán tại Việt Nam. Với việc ăn nên làm ra như hiện nay Grab đang có mục tiêu đầu tư mở rộng kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

5 năm ăn nên làm ra của Grab tại Việt Nam...

Trong thông báo kỷ niệm 5 năm hoạt động tại Việt nam, Grab chia sẻ đã đầu tư 100 triệu USD vào thị trường, cung cấp dịch vụ cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng và có hơn 175.000 đối tác tài xế. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về doanh thu của Grab tại Việt Nam nhưng trong năm 2017, Grab đóng vào ngân sách Nhà nước hơn 189 tỷ đồng tiền thuế. Còn năm 2018, con số này là hơn 441 tỷ đồng.

Có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2014, hiện nay Grab đang phát triển mạnh các dịch vụ di chuyển và giao nhận thức ăn với các dịch vụ GrabBike, GrabCar, GrabFood... Trong đó, GrabFood là dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ nhất của thương hiệu này. Theo thống kê của Kantar, sau hơn 1 năm triển khai, hiện tốc độ tăng trưởng của GrabFood đã tăng 250 lần. 81% người dùng tại TP.HCM và Hà Nội sử dụng dịch vụ này. GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng 400% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn hàng.

Dù hàng loạt đối thủ ồ ạt xuất hiện trên thị trường với cùng những dịch vụ tương đồng như Go Viet, Be, VATO... nhưng Grab vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dùng, nhất là tại các thành phố lớn.

Không chỉ đơn thuần là kinh doanh lĩnh vực vận tải, Grab dần “tấn công” vào nhiều lĩnh vực “béo bở” khác như thanh toán điện tử, vay tiêu dùng và bảo hiểm. Cụ thể, từ tháng 3/2017 Grab đã ra mắt dịch vụ GrabPay tại Việt Nam, hoạt động như một ví điện tử của riêng Grab dù không có giấy phép trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Để hợp thức hóa hoạt động của GrabPay, tháng 9/2018, Grab công bố đã mua lại 3,523% cổ phần của Moca và ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán điện tử. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70% và là một ví điện tử có giấy phép hoạt động đã giúp cho Grab “danh chính ngôn thuận” bước chân vào lĩnh vực thanh toán ví điện tử và tín dụng tiêu dùng.

Từ đây, GrabPay by Moca ồ ạt triển khai các dịch vụ vượt ra khỏi mảng dịch vụ lõi là vận tải, giao hàng khi cho phép người dùng Grab thanh toán hóa đơn điện nước, nạp thẻ điện thoại, thậm chí là mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng đối tác của Grab... Có thể thấy nguồn doanh thu và lợi nhuận của Grab đến từ các dịch vụ này sẽ là con số rất “khủng” trong thời gian tới.

Với lĩnh vực bảo hiểm Grab đã thành lập Công ty Grab Financial Group Việt Nam. Đây chính là mảnh đất “màu mỡ” mà các ngân hàng, công ty tài chính trong nước và nước ngoài đều thèm muốn nhảy vào. Với lợi thế thống lĩnh thị phần vận tải và sở hữu dữ liệu khổng lồ của người dùng từ thói quen, hành vi đi lại, ăn uống, chi tiêu... thì Grab dễ dàng phát triển dịch vụ giá trị gia tăng lớn hơn vận tải.

...và tiếp tục đầu tư khủng cho 5 năm tới

Chính những kế hoạch nhân rộng quy mô, lĩnh vực kinh doanh mới đây Grab công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics, mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử.

Thương hiệu này sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam, đồng thời đầu tư vào các tài năng công nghệ Việt Nam để giải quyết những thách thức lớn nhất ở Đông Nam Á thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), máy học (machine learning)... Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với chính quyền thành phố và các cơ quan hoạch định chính sách để tận dụng dữ liệu, từ đó giúp quy hoạch đô thị tốt hơn và giảm thiểu các khó khăn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Theo đó Grab mở rộng các lợi ích của nền kinh tế số tới khắp 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Nguyễn Ngọc

Theo NTD

largeer