Ai sẽ chịu trách nhiệm liên đới trong vụ Alibaba?

Thứ sáu, 20/09/2019, 14:30 PM

Theo luật sư Trần Đức Phượng, trong bối cảnh thị trường bất động sản như hiện nay, từ vụ Alibaba cần phải làm rõ những vấn đề liên quan tới pháp lý, tránh tình trạng hiểu lơ mơ và quản lý thiếu chặt chẽ.

Chiều ngày 18/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Tổng giám đốc Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiều ngày 18/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Tổng giám đốc Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra xác minh trước đó cho thấy Nguyễn Thái Lĩnh cùng đồng phạm đã lập Công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên ở nhiều tỉnh phía Nam rồi tự vẽ các dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… để huy động tiền của hàng nghìn khách hàng.

Trước đó, Công ty Alibaba đã gây rúng động dư luận khi sở hữu hàng loạt “dự án ma”. Trên website của mình, Alibaba công bố đang mở bán 47 dự án nhưng theo chính quyền địa phương các tỉnh, doanh nghiệp này không phải là chủ đầu tư hoặc đó là những khu đất nông nghiệp… Tuy nhiên, bằng chiêu cam kết lợi nhuận khủng lên tới 28% và sự phủ lấp thông tin về tốc độ lớn mạnh của doanh nghiệp, Alibaba vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn lớn từ khách hàng.

Ai sẽ chịu trách nhiệm liên đới trong vụ Alibaba?

Nhiều câu hỏi đặt ra rằng, ngoài người đứng đầu của Alibaba thì sẽ còn những ai sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm. Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng, trước hết, Công ty Alibaba và những người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vị lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Tài sản phong tỏa và tiền mặt cùng tiền thi hành án sẽ được chia cho khách hàng bị lừa đảo theo biểu quyết.

Ngoài ra, những cổ đông góp vốn cũng phải chịu trách nhiệm. Lý giải về điều này, vị luật sư phân tích: “Khi ông Lĩnh, đại diện pháp luật bị bắt thì theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông phải cử 1 đại diện pháp luật mới để công ty tiếp tục hoạt động nhằm giải quyết quan hệ hợp tác với khách hàng. Về vấn đề góp vốn, có thể thấy, số vốn của Công ty Alibaba tăng với tốc độ rất nhanh. Điều này sẽ xảy ra 2 trường hợp, góp vốn thật hoặc vốn ảo. Nếu nhân viên công ty tham gia nhận cổ phần mà không góp vốn hoặc góp vốn thật cũng sẽ bị chịu trách nhiệm. Về việc này, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra số vốn là thật hay giả, sai phạm của những người góp vốn đến đâu”.

Cũng theo luật sư Phượng, không chỉ phía công ty Alibaba mà cả những chủ đất ký ủy quyền cho Alibaba đứng ra bán hàng cũng sẽ bị liên đới. Alibaba đại diện là công ty môi giới nhưng được kí hợp đồng ủy quyền cho khách hàng. Tuy nhiên, khoản tiền mà Alibaba nhận được lẽ ra phải giao chủ đất nhưng thực tế lại không, và sử dụng cho mục đích khác. Như vậy, phía chủ đất cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Bất cập quản lý đất đai nhìn từ Alibaba

Thực tế vào cuối năm 2017, Alibaba bị chính quyền TP.HCM và Đồng Nai cảnh báo, công an điều tra và báo chí cũng đã phanh phui về việc công ty này bán các “dự án ma” cho khách hàng. Song, đến nay, “đế chế” Alibaba mới chính thức bắt đầu sụp đổ khi những người đứng đầu doanh nghiệp này bị bắt.

Có thể nói rằng, Alibaba là điển hình của tình trạng phân lô bán nền với dự án ma. Giới chuyên gia cho rằng, quá trình huy động vốn, quảng cáo rầm rộ đến việc liên tục mở rộng phát triển bất chấp cảnh báo của chính quyền đã cho thấy nhiều bất cập đang xảy ra trong việc quản lý đất đai.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, trong bối cảnh thị trường bất động sản như hiện nay, từ vụ Alibaba cần làm rõ những vấn đề liên quan tới pháp lý. Vị luật sư này cho rằng, chỉ giải quyết được căn nguyên của pháp lý thì mới giải quyết vấn đề của thị trường, tránh việc hiểu lơ mơ nên quản lý không chặt chẽ như hiện nay.

Luật sư Trần Đức Phượng chỉ ra 3 vấn đề bất cập trong pháp lý nhìn từ dự án Alibaba. "Đầu tiên là vấn đề tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và quyền tài sản. Trong đó luật phải làm rõ: Quyền sở hữu tài sản hiện có, thời điểm phát sinh quyền sở hữu, thời điểm bắt đầu thực hiện quyền sở hữu,..; chế độ pháp lý của tài sản hình thành trong tương lai: Là gì, khi nào bắt đầu thực hiện quyền sở hữu, giới hạn quyền của chủ sở, giới hạn trong giao dịch,...; chế độ pháp lý của quyền tài sản. Thứ hai, khái niệm đặt cọc là gì phải làm rõ và đưa ra các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Thứ ba là vấn đề giao dịch dân sự có điều kiện”.

Nếu ví dụ liên quan tới khái niệm “đặt cọc”, luật sư Phượng cho rằng, hiện đang nhập nhèm trong hoạt động này như “giữ chỗ” mà không phải là “đặt cọc”. Trong khi đó, hệ thống pháp luật Việt Nam làm gì có khái niệm "giữ chỗ". Điều này đồng nghĩa sẽ thiếu đi quy định hướng dẫn.

Luật sư Trần Đức Phượng nhấn mạnh, việc sửa đổi pháp luật phù hợp và khoa học thì mới có thể hướng tới sự phát triển bền vững, ổn định. Vụ việc của Công ty Alibaba là bài học để khắc phục những lổ hổng trong pháp lý về đất đai. 

Lệ Ánh

Theo Danviet.vn