70% phụ huynh lớp 1 chưa muốn con học trực tiếp
TP HCM: Hơn 85.400 trong số 121.700 phụ huynh lớp 1 không đồng ý cho con mình đến trường từ 13/12, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thống kê được tổng hợp từ các phiếu thăm dò, lấy ý kiến phụ huynh trong buổi họp của 565 trường tiểu học. Tổng số học sinh lớp 1 là hơn 131.200 em. Số người tham gia cho ý kiến là hơn 121.700.
Trong đó, hơn 36.300 phụ huynh đồng ý cho con em đến trường học trực tiếp; hơn 85.400 người không đồng ý (chiếm 70%).
Nhiều trường tiểu học ở nội thành chỉ có 10-20 phụ huynh đồng ý, như: Trần Quang Diệu, Trần Văn Đang (quận 3); Tiểu học Bến Cảng, Đống Đa, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Huệ 1 (quận 4). Một số trường không có phụ huynh nào đồng ý cho con học trực tiếp.
Các trường ở ngoại thành có số phụ huynh tán thành thấp, dưới 20 người, gồm: Trung Lập Thượng, Nhuận Đức, Nhuận Đức 2, An Nhơn Tây, Thị Trấn Củ Chi 2 (huyện Củ Chi); Lý Nhơn, Đồng Hòa (huyện Cần Giờ).
Lãnh đạo một số trường tiểu học nhận định, phụ huynh không đồng ý cho lớp 1 học trực tiếp do đây là nhóm trẻ chưa được tiêm vaccine, cộng với bối cảnh dịch bệnh nhiều tuần nay diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê của Sở cũng cho biết, hơn 1.400 học sinh lớp 1 đang cách ly, 5.600 em đang ở quê.
Trước đó, ngày 1/12, UBND TP HCM ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, các trường sẽ thí điểm dạy học trực tiếp từ 13/12 đối với lớp 1, 9, 12 trong hai tuần. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi bắt đầu đến trường từ 20/12.
Tuy nhiên, kế hoạch sau khi ban hành vấp phải ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh. Những người phản đối cho rằng, không nên thí điểm với trẻ lớp 1, vì các em còn quá nhỏ, hiếu động, chưa có ý thức rõ ràng về phòng chống dịch và cũng là nhóm tuổi chưa tiêm vaccine.
Khảo sát ý kiến độc giả trên VnExpress cũng cho thấy kết quả tương đồng với thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Thậm chí, tỷ lệ phụ huynh chưa sẵn sàng cho trẻ lớp 1 đi học còn cao hơn - chiếm 81% trong số hơn 7.500 người tham gia trả lời.
Hiện tại, kế hoạch thí điểm mở cửa trường trở lại vào 13/12 của TP HCM chưa có gì thay đổi. Ngành giáo dục sẽ tập huấn cho cán bộ, nhân viên phòng chống dịch ngày 8/12; phổ biến hướng dẫn đảm bảo an toàn cho học sinh vào 10/12.
Thành phố yêu cầu các trường xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trước ngày 3/12. Trước khi mở cửa, các trường phải được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP Thủ Đức và quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án này.
Ngày đầu tiên học sinh trở lại, trường không tổ chức hoạt động học tập, chỉ kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập. Thời khoá biểu được bố trí lệch ca, lệch giờ. Nếu học sinh, giáo viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
Sau hai tuần thí điểm đi học lại, thành phố sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TP HCM quyết định việc tiếp tục mở rộng cho học sinh đến trường.
Mạnh Tùng
- Những chính sách mới về bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có hiệu lực từ 12/2021
- Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực tháng 12/2021
- Nữ doanh nhân đầy tâm huyết, truyền cảm hứng phát triển văn hóa, giáo dục
- Bí thư Thành ủy Hà Nội: Từng bước đưa hệ thống giáo dục Thủ đô trở lại “bình thường mới”
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội