68,5% thịt gà tươi sống của Việt Nam nhiễm kháng sinh
Đây là nhận định của đại diện Ban Dự án hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập tại Hội thảo “Vượt qua hàng rào kỹ thuật của ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu sang châu Âu” ngày 17/8 tại TP.HCM.
Theo bà Huỳnh Kim Thanh, đại diện Ban Dự án Hàng VN Chất lượng cao Chuẩn hội nhập, trong Báo cáo kết quả Nghiên cứu quản lý ATTP chuỗi gà Việt Nam có nêu, hiện nay Việt Nam có hệ thống quản lý ATTP hiện đại nhưng chưa thành công trong việc tạo ra sản phẩm thịt gà cho thị trường.
Bởi theo thống kê của Tạp chí Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp, hiện có 68,5% mẫu thịt gà tươi sống của Việt Nam nhiễm kháng sinh và 37,2% mẫu thịt gà nhiễm Salmonella.
Cũng theo kết quả báo cáo này cho thấy, lượng kháng sinh sử dụng ở các trại nuôi gà ĐBSCL cao gấp 6 lần con số này ở châu Âu (trong đó có 84% sử dụng cho mục đích phòng bệnh).
Theo bà Thanh, đây cũng chính là nguyên nhân khiến phân khúc thịt gà nội địa khó cạnh tranh với các loại thịt gà nhập khẩu.
“Việc chất lượng thịt gà trong nước không đảm bảo thì khó có thể lấy được lòng tin người tiêu dùng chưa kể đến chuyện các hiệp định thương mại tự do đã mở cửa cho các sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ các nước Mỹ, Hàn Quốc…gần như đè bẹp gà Việt Nam”. Bà Thanh nhấn mạnh.
Bằng chứng cho thấy sự thua sút ngay trên sân nhà của thịt gà Việt là sự lựa chọn của người tiêu dùng cho các sản phẩm gà “siêu rẻ” nhập khẩu từ Mỹ, Úc. Cụ thể, chân gà nhập khẩu đông lạnh của Australia có giá khoảng 56.900 đồng/kg, đùi góc tư gà đông lạnh xuất xứ của Mỹ cũng chỉ khoảng 39.900 đồng/kg, cánh gà tây đông lạnh Mỹ giá 64.900 đồng/kg, đùi tỏi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ chỉ có 34.900 đồng/kg… Trong khi đó, riêng cánh gà công nghiệp của Việt Nam cũng đã có giá 78.900 đồng/kg, đùi gà công nghiệp góc tư là 69.700 đồng/kg… cao hơn hẳn so với các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Như vậy, câu hỏi lớn được đặt ra là, ngay cả thị trường trong nước thì thịt gà Việt đã lao đao như vậy. Liệu khi xuất khẩu chúng ta sẽ cạnh tranh như thế nào để đáp ứng cho yêu cầu của các thị trường khó tính. Đơn cử như châu Âu, thị trường truyền thống và cũng thường xuyên đưa ra các cảnh báo về VSATTP cho hàng hóa Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ ngưng nhập khẩu nếu phát hiện thịt phía Việt Nam kém chất lượng hay xảy ra các vấn đề về dịch bệnh mà không được khoanh vùng và báo cáo rõ ràng”. Bà Marieke Van Der Pijl – Eurocham cho biết.
Kim Ngọc
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm