12 dự án thua lỗ bây giờ ra sao?

Thứ hai, 21/05/2018, 14:12 PM

Công tác xử lý đối với 12 dự án yếu kém ngành công thương có kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều khó khăn. Có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ; 3 dự án đang bị dừng thi công; 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất.

Tại Báo cáo số 185/2018/BC-CP của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 gửi đến Quốc hội, báo cáo khẳng định, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của ngành tài chính, nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Quốc hội đã quyết định, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước.

Có 59/63 tỉnh, thành phố hoàn thành vượt dự toán thu nội địa. Bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (bằng 3,42% GDP kế hoạch và 3,48% GDP thực hiện).

Tổng mức vay của NSNN (bao gồm vay để bù đắp bội chi và trả nợ gốc) thực hiện thấp hơn dự toán Quốc hội giao 4.000 tỷ đồng, góp phần tích cực giảm nợ công. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kinh phí NSNN, vốn nhà nước

Tuy vậy, tình hình sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn khá ì ạch, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.

Chẳng hạn, tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có một số khoản đầu tư không được điều tra, khảo sát kỹ dẫn đến lỗ, mất vốn 380,82 tỷ đồng, gồm Công ty Southern Mining Co.,Ltd 77,67 tỷ đồng, Công ty liên doanh khai khoáng Stung Treng 111,95 tỷ đồng; Công ty liên doanh Alumina thăm dò mỏ Bauxite 184,78 tỷ đồng, Công ty TNHH Vinacomin khai thác mỏ muối 37,9 tỷ đồng…

Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn. Ảnh:baoquangngai

Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn. Ảnh:baoquangngai

Công tác cơ cấu, sắp xếp lại DNNN tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa còn cao. Việc bàn giao các DNNN đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước còn chậm.

Bên cạnh đó, công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc (có 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán), ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường cũng như công tác giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất.Công tác xử lý đối với 12 dự án yếu kém ngành công thương có kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều khó khăn.Tính đến tháng 3-2018, báo cáo nêu có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy thép Việt Trung).

3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn là dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.

Anh Phương

Theo SGGP