Ngân hàng sữa mẹ: Giúp tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non tăng 50%
Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) đầu tiên phía Nam đặt tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM chính thức hoạt động từ ngày 10/4/2019. Sự ra đời của ngân hàng này là “cứu cánh” của trẻ sinh non, bởi nơi đây có thể cung cấp nguồn sữa quý giá cho nhóm trẻ không có cơ hội tiếp cận với sữa mẹ, giúp tăng tỷ lệ sống sót của trẻ hơn 50%. Câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ - sẽ giúp chúng ta hiểu được về sự vận hành của ngân hàng độc đáo và hiếm hoi này tại Việt Nam.
Hơn 12.000 trẻ sinh non mỗi năm
Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện sản khoa hàng đầu và bận rộn nhất của Việt Nam. Hàng năm, bệnh viện này tiếp nhận 65.000-70.000 ca sinh nở. Tỷ lệ sinh non từ 12-18%, trong đó có rất nhiều trường hợp sinh cực non hoặc mẹ có thai kỳ bệnh lý nên số trẻ phải điều trị tại khoa Sơ sinh khoảng 12.000 trường hợp. Trong số này, chỉ khoảng 30% trẻ sinh non có sữa của mẹ đẻ. Bên cạnh đó, hơn 70% sản phụ cư ngụ tại các tỉnh và bệnh viện không có nhà lưu trú cho thân nhân các trẻ điều trị tại khoa Sơ sinh nên các bà mẹ không có điều kiện gửi sữa mẹ cho con đang điều trị tại khoa sau khi mẹ được xuất viện.
Các trường hơp “khát sữa” khác gồm: Mẹ qua đời sau khi sinh hoặc vì tai nạn giao thông, mẹ trải qua phẫu thuật cắt nhũ nên không thể có sữa, mẹ bị phỏng ngực nặng hoặc mẹ không thể cho con bú...
Sữa bột công thức được dùng thay thế trong các trường hợp này. Tuy nhiên, sữa công thức không thể thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ bởi sữa mẹ cung cấp cho trẻ sơ sinh nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất. Trẻ sinh non sẽ thừa hưởng sức đề kháng, miễn dịch quý giá trong sữa mẹ để có thể chống đỡ lại các bệnh lý nhiễm khuẩn. Sữa mẹ còn giúp trẻ sinh non hấp thu dễ dàng, ít bị những rối loạn về tiêu hóa.
Ngân hàng sữa mẹ thứ hai tại Việt Nam
Bệnh viện Từ Dũ là ngân hàng thứ hai tại Việt Nam cung cấp sữa mẹ cho trẻ sinh non sau NHSM đầu tiên tại Đà Nẵng thành lập vào năm 2017. Hiện Việt Nam chưa có quy định pháp lý nào về quản lý sữa mẹ. Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn về xây dựng và vận hành NHSM.
Bệnh viện Từ Dũ phải tham khảo các hướng dẫn của nước ngoài. Việc xây dựng đề án phải có sự trợ giúp của chuyên gia từ Dự án Alive and Thrive - vốn là nơi hỗ trợ xây dựng NHSM ở Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng. Các máy móc, bình sữa chuyên dụng phải nhập từ nước Anh. Chi phí để thành lập NHSM lên đến gần 10 tỷ đồng, trong đó 1/3 là của Cơ quan viện trợ thuộc chính phủ Ireland (Irish Aid) và 2/3 là của Bệnh viện Từ Dũ. “Chúng tôi phải mất hai năm để chuẩn bị” - Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh nói.
Bác sĩ cũng cho biết, Bệnh viện Từ Dũ ước tính mỗi ngày cần ít nhất 14 lít sữa mẹ để đáp ứng cho nhu cầu của trẻ sinh non tại đây.
Phi lợi nhuận nhưng bảo đảm an toàn và chất lượng
Bệnh viện vận động các bà mẹ có tinh thần thiện nguyện và chọn lọc người có đủ điều kiện sức khỏe và không có nguy cơ lây truyền bệnh qua sữa mẹ như AIDS, lao, viêm gan... tham gia hiến tặng sữa.
Hơn 100 nhân viên bệnh viện tham gia tiếp cận, thu nhận nguồn sữa hiến tặng tại bệnh viện hay nhà riêng. Họ cũng quan sát việc thực hành lưu trữ sữa thô của các bà mẹ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe các bà mẹ hiến sữa. Bác sĩ Từ Anh nói hiện ngân hàng đã có 13 bà mẹ hiến tặng 60 lít sữa.
Việc lấy sữa hiến tặng tuân thủ chặt chẽ quy trình để bảo đảm an toàn và chất lượng. Các bà mẹ được trang bị túi bảo quản và nhiệt kế nhằm theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh. Mỗi đơn vị sữa hiến tặng đều được ghi tên, dán mã số và ngày giờ vắt để phân biệt hoặc có thể truy xuất khi có sự cố.
Đặc biệt sữa thanh trùng sẽ được làm nóng tới nhiệt độ 62,5oC trong vòng 30 phút, rồi giảm dần còn 4oC. Quy trình này nhằm khống chế, loại bỏ các tác nhân vi sinh học như nấm, vi khuẩn, vi rút, bào tử... nhưng vẫn bảo đảm dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ.
Bác sĩ Từ Anh nhấn mạnh, sữa chưa thanh trùng sẽ được trữ đông ở nhiệt độ -20oC và lưu trữ trong ba tháng. Riêng sữa đã thanh trùng thì trữ đông ở cùng nhiệt độ nhưng thời gian lưu trữ đến sáu tháng. Bác sĩ hy vọng trong tương lai Bệnh viện Từ Dũ sẽ hợp tác với các khoa sản ở các bệnh viện khác để có được nguồn sữa mẹ phong phú hơn.
NHSM của Bệnh viện Từ Dũ hoạt động theo tiêu chí an toàn, chất lượng và phi lợi nhuận. Nguồn sữa mẹ thanh trùng sẽ được đưa đến các trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bệnh lý mà không có sữa của mẹ ruột. Cha mẹ các em chỉ cần trả chi phí để bù đắp lại chi phí sàng lọc, thanh trùng, trữ sữa và phân phối sữa. Các gia đình nghèo sẽ được hỗ trợ từ quỹ một ngày lương của nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ và quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Trong buổi lễ ra mắt, bác sĩ Trần Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - phát biểu: “Sữa mẹ giúp trẻ sinh non tăng tỷ lệ sống sót lên rất nhiều, ở các trẻ sinh cực non tỷ lệ đạt trên 50%. Sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh muộn. Từ trước đến nay, trẻ sinh non không có sữa mẹ vẫn được nuôi từ sữa công thức. Dù hiện đại thế nào thì sữa công thức không thể nào tốt bằng sữa mẹ hay thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ. Vì vậy, tiếp nhận sữa hiến tặng có giá trị vô cùng lớn trong sự phát triển của trẻ”.
Nguồn sữa mẹ tại NHSM ban đầu sẽ cung cấp cho trẻ sơ sinh đang điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ. Khi nguồn cung dồi dào hơn, ngân hàng này sẽ cung cấp cho các bệnh viện trong thành phố như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Các kinh nghiệm hình thành và vận hành NHSM thứ hai tại Việt Nam sẽ rất quý giá để Bộ Y tế ra “hướng dẫn quốc gia vể NHSM tại Việt Nam”.
Cao Tuấn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội