hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Đó là thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi trình bày báo cáo đánh giá bổ sung thực hiện kinh tế xã hội 2024, kế hoạch những tháng đầu năm 2025, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 5/5.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó khăn, đặc biệt là việc Mỹ bất ngờ tuyên bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao, trên diện rộng, trong đó có Việt Nam. Sau đó hoãn 90 ngày với các đối tác thương mại (trừ Trung Quốc) và mức thuế tạm áp dụng là 10%. Việc này tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, Chính phủ đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực.
"Việt Nam là một trong những nước Mỹ đầu tiên đàm phán, ngày 7/5 tới đây sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc đàm phán với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp và thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, cũng như không làm ảnh hưởng tới các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết hiện các cơ quan phụ trách vẫn đang khẩn trương đàm phán với Mỹ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Theo số liệu thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vi mô.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI do chính sách thuế quan mới của Mỹ; thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Công tác phân tích dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…
Từ những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi ngân sách lên mức 4 - 4,5% GDP; tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều tiết tỷ giá lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh của lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Khẩn trương triển khai hiệu quả gói ứng dụng ưu đãi dài hạn cho đầu tư hạ tầng chiến lược, công nghệ số; mở rộng phạm vi đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ, nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập thấp; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.
Về phòng, chống buôn lậu, Thủ tướng nói Chính phủ kiên quyết xử lý tận gốc việc gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, cũng như ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ được bỏ, giảm ít nhất 30%.
Cùng với đó, Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về xây dựng, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, sản xuất, cung ứng toàn cầu.
"Nền kinh tế sẽ xác lập theo mô hình mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính", Thủ tướng nhấn mạnh.
© vietpress.vn