hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Chỉ trong quý II/2025, Bộ Y tế đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp với tổng số tiền gần 360 triệu đồng vì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Hơn 460 phiếu kiểm nghiệm bị thu hồi, nhiều sản phẩm bị buộc tiêu hủy, quảng cáo sai sự thật bị xóa bỏ.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm từ ngày 1/4 đến 1/7/2025, với mức xử phạt lên đến 359 triệu đồng. Ngoài ra, hơn 460 phiếu kiểm nghiệm bị thu hồi, hàng loạt sản phẩm phải tiêu hủy, thông tin quảng cáo sai lệch buộc phải cải chính.
Mức phạt nặng nhất thuộc về Công ty TNHH Liên Sen (TP HCM) với số tiền 80 triệu đồng vì vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với 4 lô phụ gia bột ngọt gồm Monosodium L-Glutamate Han’ei Suru và Monosodium L-Glutamate Kjmoto. Công ty bị buộc phải thu hồi, tiêu hủy toàn bộ nhãn vi phạm và chỉ được lưu thông sản phẩm sau khi hoàn tất việc sửa nhãn đúng quy định.
Cũng bị phạt nặng không kém là Công ty Cổ phần Dịch vụ Khoa học Công nghệ Thế Kỷ Mới (TP HCM) với 75 triệu đồng do không tuân thủ quy trình, thủ tục đánh giá sự phù hợp đã đăng ký. Đơn vị này bị yêu cầu thu hồi 122 phiếu kết quả thử nghiệm vi phạm, đồng thời nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất hợp pháp.
Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO (Cần Thơ) bị xử phạt 75 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng quyết định chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm trong 9 tháng. Doanh nghiệp này đã thực hiện đánh giá sự phù hợp ngoài phạm vi được cấp phép. Theo quyết định, đơn vị phải thu hồi 280 báo cáo thử nghiệm đã cấp sai cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và nộp lại gần 71 triệu đồng thu lợi trái phép. Nếu không chấp hành đúng thời hạn, doanh nghiệp sẽ bị cưỡng chế và phải chịu lãi phạt 0,05% mỗi ngày chậm nộp tiền.
Một số doanh nghiệp khác vi phạm ở các mức độ nhẹ hơn nhưng vẫn bị xử phạt nghiêm khắc, như: Công ty TNHH Minh Kiến (TP HCM) bị phạt 4 triệu đồng vì ghi nhãn sai quy định với 2 lô phụ gia thực phẩm hương bơ 1127 và hương cà phê 1312. Công ty buộc phải thu hồi, tiêu hủy nhãn vi phạm và nộp lại phần lợi nhuận từ sản phẩm đã tiêu thụ.
Công ty TNHH Vĩnh Nam Anh (TP HCM) bị phạt 25 triệu đồng vì quảng cáo phụ gia thực phẩm Calcium Gluconate sai phép. Cục yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ nội dung vi phạm và cải chính thông tin trên các kênh truyền thông.
Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Cao Việt Hoàng (Hà Nội) cũng bị phạt 25 triệu đồng vì quảng cáo sai quy định thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Việt Hoàng. Công ty phải tháo gỡ quảng cáo sai và đăng cải chính đúng nội dung đã đăng ký.
Những vi phạm lần này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp vẫn xem nhẹ các quy định pháp lý, đặc biệt là trong ngành thực phẩm - lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.
Không chỉ là trách nhiệm pháp lý, tuân thủ an toàn thực phẩm là tiêu chí sống còn để xây dựng niềm tin với khách hàng. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo và thị trường cạnh tranh khốc liệt, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến doanh nghiệp trả giá bằng cả thương hiệu.
Người tiêu dùng được khuyến cáo nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm
từ những doanh nghiệp uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, và kiểm tra kỹ các thông
tin trên bao bì, nhãn mác. Khi phát hiện sai phạm, nên báo ngay cho cơ quan chức
năng để xử lý kịp thời.
© vietpress.vn