hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Xu hướng đa ngành, đa nghề hay còn gọi là "nghề tay trái" đang trở nên phổ biến trong giới trẻ giữa bối cảnh thị trường lao động đầy thách thức, làn sóng sa thải tăng và nhu cầu phát triển bản thân ngày càng cao,
Trong thế giới việc làm ngày càng biến động và cạnh tranh, hình ảnh một người trẻ trung thành với một công việc duy nhất suốt sự nghiệp đang dần trở nên lỗi thời. Thay vào đó, một xu hướng mới nổi lên mạnh mẽ: đa ngành, đa nghề, hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc "nghề tay trái" hoặc "side hustle" (kiêm thêm thu nhập từ công việc phụ - PV). Đây không chỉ là một trào lưu nhất thời, mà đang dần trở thành một chiến lược sống và làm việc của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Một trong những động lực chính yếu thúc đẩy xu hướng đa ngành, đa nghề chính là nhu cầu tài chính. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, đặc biệt ở các đô thị lớn, mức lương từ một công việc chính đôi khi không đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tích lũy cho tương lai. Việc có thêm một hoặc nhiều nguồn thu nhập khác từ "nghề tay trái" giúp giới trẻ gia tăng thu nhập, trang trải cuộc sống, thực hiện các kế hoạch cá nhân, giảm bớt áp lực tài chính.
Thu Hoài (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho hay, cô bắt đầu có "nghề tay trái" kể từ năm 2024 khi công việc có biến động cắt giảm nhân sự. Công việc chính của Thu Hoài là nhân viên mua hàng cho công ty từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, do các gian hàng điện tử phát triển mạnh ở Việt Nam cùng phương thức vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiện đại khiến công việc của Hoài gặp nhiều khó khăn hơn.
"Ban đầu là chúng tôi bị cắt giảm lương, sau đó là cắt giảm nhân sự. Thậm chí có thời gian, chúng tôi đi làm nửa tháng nghỉ nửa tháng. Thu nhập chỉ khoảng 10-12 triệu khiến tôi không đủ xoay sở khi vừa trả góp mua nhà, vừa nuôi con ăn học. Chính vì vậy, tôi chọn đi buôn bán rau sạch từ quê gửi lên tại khu chung cư mình ở".
Theo Thu Hoài, nếu chịu khó, mỗi lần cô chuyển rau sạch từ quê lên bán cũng lãi được khoảng 1-2 triệu. Công việc phụ này mỗi tháng cũng cho Hoài thêm thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng.
Cũng giống Thu Hoài, chị Lê Liên (35 tuổi) tại Hoài Đức, Hà Nội làm một lúc nhiều nghề. Nghề chính của chị là sale bất động sản, nghề phụ là bán hoa quả, thực phẩm. Ngoài việc muốn tăng thêm thu nhập, chị Liên cho biết, chị thích cảm giác bận rộn nhưng vẫn tự do về mặt thời gian khi làm nhiều công việc cùng một lúc.
Bên cạnh lý do gia tăng thu nhập, sự bất ổn của thị trường lao động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng đa ngành, đa nghề trong giới trẻ. Làn sóng sa thải nhân sự diễn ra ở nhiều lĩnh vực, sự phát triển của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đe dọa nhiều công việc truyền thống, khiến người trẻ cảm thấy bất an về sự ổn định của công việc chính. Làm nhiều nghề giúp họ đa dạng hóa nguồn thu nhập, giảm sự phụ thuộc vào một công việc duy nhất, và tạo ra một "mạng lưới an toàn" tài chính trong trường hợp công việc chính gặp rủi ro.
Trần Duy Trinh (sinh năm 2000, đến từ Thanh Hóa) nổi tiếng mạng xã hội vì bỏ phố về quê bán tạp hóa. Một trong những lý do chính của cậu cũng là vì muốn gia tăng thu nhập bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Về quê, Trinh vừa bán tạp hóa phụ gia đình, vừa có làm công việc marketing cho một công ty ở quê. Cậu cũng có thể kiếm tiền từ việc xây dựng, sáng tạo nội dung từ mạng xã hội. Trinh cho hay, làm nhiều việc cùng lúc không khiến mình mệt mà còn thấy vui vì công việc ổn và có thể gia tăng được thu nhập - điều mà cậu không làm được tại thành phố lớn.
Ngoài yếu tố tài chính, xu hướng đa ngành, đa nghề còn được thúc đẩy bởi khát vọng phát triển bản thân và theo đuổi đam mê của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ không muốn giới hạn bản thân trong một khuôn khổ công việc cố định, mà mong muốn được khám phá và phát triển đa dạng các kỹ năng và sở thích. "Nghề tay trái" trở thành một phương tiện để họ thử sức ở những lĩnh vực mới, học hỏi kiến thức và kỹ năng khác nhau, mở rộng mạng lưới quan hệ, và tìm kiếm sự thỏa mãn trong công việc.
K.L (30 tuổi, Hà Nội) cũng là một trong những người trẻ tham gia sớm vào xu hướng làm nhiều nghề cùng lúc trong giới trẻ. Từ khi còn là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, K.L đã đi làm thêm cho một công ty chuyên về marketing. Trong đại dịch Covid - 19, K.L làm sale bất động sản. Số tiền cô thu nhập từ nghề này được K.L miêu tả là "thắng đậm". Sau khi ra trường, K.L đi làm MC, dẫn bản tin sự kiện và vẫn duy trì những công việc khác về marketing và buôn bán bất động sản. Cô cho hay, các công việc của mình đều bổ trợ cho nhau nên muốn duy trì dù khá bận rộn.
Hơn nữa, đối với nhiều người, "nghề tay trái" còn là nơi để thực hiện những đam mê, sở thích cá nhân mà công việc chính không đáp ứng được. Đó có thể là viết lách, nhiếp ảnh, thiết kế, kinh doanh online, hoặc bất kỳ lĩnh vực nào mà họ yêu thích và có năng khiếu. "Nghề tay trái" không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp họ cân bằng cuộc sống, giảm căng thẳng, và tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong công việc.
Vũ Khánh (31 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) có sở thích đan len, nấu ăn. Cô thường xuyên đăng bán những sản phẩm xinh xắn, những món ăn đặc sắc do chính mình làm ra trên nhóm cư dân tại nơi sinh sống. Với Khánh, ngoài việc có thêm chút thu nhập, cô còn được thỏa mãn những sở thích của mình.
"Dù bận nhưng tôi vẫn thấy vui vì có thể được làm những điều mình thích", Khánh chia sẻ.
Việc làm nhiều nghề cùng lúc mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho giới trẻ. Đầu tiên và dễ thấy nhất là gia tăng thu nhập và cải thiện tình hình tài chính. Nguồn thu nhập bổ sung từ "nghề tay trái" giúp họ có thêm tiền để chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, hoặc thực hiện các mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe, hoặc khởi nghiệp.
Làm nhiều nghề giúp phát triển đa dạng kỹ năng và kinh nghiệm. Mỗi công việc khác nhau đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức khác nhau, do đó, việc tham gia vào nhiều lĩnh vực giúp người trẻ trở nên linh hoạt, đa năng, và thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của thị trường lao động. Người trẻ có cơ hội học hỏi, thử nghiệm, và hoàn thiện bản thân và mở rộng mạng lưới quan hệ, tạo ra nhiều cơ hội công việc mới.
Với Duy Trinh, cậu chia sẻ là người rất thích học hỏi những kiến thức mới. Vì vậy, việc làm nhiều nghề cùng lúc còn khiến Trinh thỏa mãn được sở thích cá nhân, nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Trinh cũng không bị áp lực khi làm đa ngành nghề vì đó là những gì cậu thích. K.L cũng có suy nghĩ tương tự Duy Trinh bởi cô là người luôn muốn khám phá bản thân, không muốn ngồi yên một chỗ.
Sự đa dạng trong nghề nghiệp còn giúp tăng tính ổn định trong sự nghiệp của nhiều người. Khi có nhiều nguồn thu nhập và kỹ năng đa dạng, người trẻ sẽ ít bị tổn thương hơn khi gặp phải những biến động trong công việc chính hoặc thị trường lao động. Họ có thể dễ dàng chuyển đổi công việc, tìm kiếm cơ hội mới, hoặc tập trung phát triển "nghề tay trái" nếu cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc làm nhiều nghề cùng lúc cũng có một số hạn chế. Thách thức lớn nhất là quản lý thời gian và năng lượng. Làm nhiều công việc đòi hỏi người trẻ phải có khả năng sắp xếp thời gian hiệu quả, phân bổ công việc hợp lý, và duy trì năng lượng dồi dào để đảm bảo chất lượng công việc và sức khỏe cá nhân.
Để thành công trên con đường đa ngành, đa nghề, người trẻ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ năng, kiến thức, khả năng quản lý thời gian và tài chính, cũng như tinh thần kỷ luật và kiên trì. Đây không phải là con đường dễ dàng, nhưng nếu được chuẩn bị tốt và đi đúng hướng, nó có thể mang lại sự tự do, linh hoạt và thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
URL: https://vietpress.vn/xu-huong-da-nganh-da-nghe--chien-luoc-song-cua-gen-z-d94346.html
© vietpress.vn