hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Mới đây, tại TP HCM hơn 200 võ sư, huấn luyện viên và môn sinh đến từ khắp năm châu đã cùng hội tụ tham dự Khóa đặc huấn quốc tế Vovinam – Việt Võ Đạo 2025 với chủ đề “Về nguồn”. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày.
Tại Tổ đường Vovinam – nơi thờ Sáng tổ Nguyễn Lộc, Chưởng môn Lê Sáng, và cố võ sư Trần Huy Phong – các võ sư đến từ Pháp, Đức, Algeria, Bồ Đào Nha… đã đồng loạt cúi đầu, chắp tay bái Tổ.
Võ sư Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới
– chia sẻ: “Đã nhiều lần đến Tổ đường, nhưng chưa lần nào tôi xúc động
như lần này. Khi chứng kiến ánh mắt rưng rưng của những võ sư quốc tế, tôi nhận
ra: võ đạo không chỉ là kỹ thuật, mà là ký ức, là văn hóa, là sự đồng cảm vượt
khỏi mọi ranh giới”.
Khóa đặc huấn không chỉ là dịp rèn luyện thể lực hay kỹ thuật chiến đấu. Trong các buổi học, ngoài các bài quyền, song luyện, tự vệ đặc biệt, học viên còn được tiếp cận chuyên đề y học thể thao – điều trị chấn thương võ thuật – và hơn thế nữa, là các buổi chia sẻ về triết lý sống Việt thông qua võ đạo.
Võ sư Trần Nguyên Đạo – Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới khẳng định: “Chúng tôi không chỉ về Việt Nam để học võ. Chúng tôi trở về để hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử, con người Việt – nơi đã sản sinh ra những tư tưởng như Cách mạng tâm thân, Cương nhu phối triển, 10 điều tâm niệm… Những điều này đang được truyền dạy ở khắp năm châu – không phải như môn lý luận khô khan, mà như một phần sống trong trái tim các môn sinh”.
Không chỉ học trên sàn tập, các võ sư quốc tế còn sống cùng võ sinh Việt trong ký túc xá trường IVS – ăn cơm bình dị, ngủ giường gỗ thô, tắm chung phòng – những trải nghiệm khiến họ chạm vào đời sống thực tế của người Việt, thấu hiểu từ sự giản dị đến lòng hiếu khách.
Một điểm đặc biệt trong khóa đặc huấn năm nay là sự hiện diện và hỗ trợ từ Cục Thể dục Thể thao và Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Không chỉ dừng lại ở sàn võ, Vovinam đang được định hướng trở thành một công cụ quảng bá văn hóa và du lịch quốc gia, mở ra một không gian mới – nơi võ thuật truyền thống đóng vai trò trong giao lưu quốc tế, giáo dục và phát triển cộng đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Khoa học Huấn
luyện Võ thuật Việt Nam – gọi đây là “Một hành trình về cội nguồn võ đạo, tri ân tiền nhân và
thắt chặt tình đoàn kết quốc tế. Chúng ta đã đi rất xa, và nay trở về nơi khởi
nguồn – không phải để dừng lại, mà để bắt đầu một chương mới với tâm thế trưởng
thành hơn”.
Buổi lễ tổng kết diễn ra tại Trường IVS mở màn bằng tiết mục múa Lân – Sư – Rồng rực rỡ, tiếp nối là những phần trình diễn võ thuật đặc sắc: từ các võ sinh nhí Nhật Bản, Tây Ban Nha, đến màn biểu diễn của đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam – nhà vô địch thế giới nhiều năm liền.
Võ sư Phạm Quang Long – người đã đồng hành và hỗ trợ đoàn quốc tế – chia sẻ: “Tôi xúc động khi thấy các môn sinh quốc tế gọi Việt Nam là ‘quê hương võ đạo’. Họ không đến đây như khách, mà như người thân trở về mái nhà chung”.
Trong buổi lễ, BTC đã trao kỷ niệm chương và quà lưu niệm đến các võ sư có nhiều đóng góp, đặc biệt là Võ sư Trần Nguyên Đạo. Hành trình “về nguồn” sẽ tiếp tục đến Hà Nội, Thạch Thất – quê hương của Sáng tổ Nguyễn Lộc – rồi mở rộng ra khắp các tỉnh thành, thậm chí vượt biên giới, để lan tỏa tinh thần Vovinam đến mọi miền.
Vovinam – Việt Võ Đạo hôm nay không còn là sở hữu riêng của
người Việt. Như Võ sư Trần Nguyên Đạo khẳng định: “Nó đã trở thành một bầu trời văn hóa võ thuật chung của thế
giới. Một tinh hoa văn hóa chỉ có giá trị khi nó được tiếp nhận, gìn giữ và
phát triển bởi nhiều dân tộc, như một phần của nền văn hóa nhân loại”.
© vietpress.vn