hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Cổ phiếu của Vingroup từng trải qua nhiều thăng trầm, có lúc đứng đầu bảng xếp hạng bảng vốn hoá, có lúc rời khỏi top 10 khiến nhiều nhà đầu tư tiếc nuối. Với đà tăng dựng đứng kể từ đầu năm 2025, VIC đã trở lại vị trí á quân những công ty giá trị nhất sàn chứng khoán Việt.
Trong phiên giao dịch ngày 25/4, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng kịch trần lên 67.000 đồng/cp và ghi nhận khối lượng khớp lệnh gần 14,8 triệu cổ phiếu. Đến cuối phiên, mã này vẫn dư mua giá trần hơn 1,4 triệu đơn vị.
Đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của VIC, diễn ra sau ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vingroup kèm tuyên bố của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về việc ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu VIC thay vì tích trữ vàng.
VIC cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm nhất cho chỉ số VN-Index với hơn 4 điểm, giúp chỉ số thị trường tăng 5,88 điểm. Với nhịp tăng 1,8% lên 62.300 đồng/cp, VHM của Vinhomes đứng thứ hai phiên hôm nay khi giúp chỉ số có thêm 1,1 điểm. Trong khi đó, VRE của Vincom Retail đi ngang.
Đà tăng của các cổ phiếu họ nhà Vin cũng đưa tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên tới 8,2 tỷ USD, xếp hạng 372 trong danh sách người giàu nhất thế giới.
Với hai phiên "tím" hôm 24/4 và 25/4, vốn hoá của Tập đoàn Vingroup đã tăng lên thành 256.185 tỷ đồng (tương đương hơn 9,8 tỷ USD), vượt qua BIDV để trở lại vị trí thứ hai trong top doanh nghiệp giá trị nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (tính cả HOSE, HNX, UPCoM). Quán quân vốn hoá thị trường hiện tại vẫn thuộc về Vietcombank với 18,4 tỷ USD.
Tính từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2007, cổ phiếu VIC đã chạm mốc giá kỷ lục với 128.000 đồng/cp vào nửa cuối tháng 4/2021. Với vốn hóa doanh nghiệp gần chạm ngưỡng 490.000 tỷ đồng, tương đương hơn 21,4 tỷ USD quy đổi thời điểm đó, VIC trở thành cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước. Riêng VIC khi đó đã chiếm trên 10% vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE.
Tuy nhiên, ngay sau khi chạm đỉnh lịch sử hơn 128.000 đồng/cp, cổ phiếu VIC đã trải qua chuỗi giảm giá liên tục.
Sau 5 tháng kể từ khi đạt đỉnh, cổ phiếu VIC với thị giá 86.800 đồng/cp (cuối ngày 17/9) đã để mất vị trí ngôi vương về tay Vietcombank (360.500 tỷ đồng).
Những năm tiếp theo, thị giá của VIC vẫn không khả quan so với thời hoàn kim khi lần lượt rơi khỏi mốc 80.000 đồng/cp, 70.000 đồng/cp, 60.000 đồng/cp và 50.000 đồng/cp, thậm chí có lúc cũng đã mất mốc 40.000 đồng/cp. Thứ hạng của VIC trên bảng xếp hạng top vốn hoá liên tục giảm.
Tháng 8/2023, Vingroup lấy lại được vị trí á quân khi cổ phiếu tăng dựng đứng lên 72.000 đồng/cp. Thời điểm đó, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC) thu hút sự chú ý của giới đầu tư nhờ vào cú hích của việc hợp nhất VinFast và Black Spade vào ngày 14/8/2023. Ngoài ra còn là việc Vingroup chuẩn bị chào bán 5 lô trái phiếu ra công chúng với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu, VIC lùi sâu về vùng giá dưới 50.000 đồng/cp, thứ hạng vốn hoá của công ty cũng thay đổi.
Căng thẳng nhất là thời điểm mức ngày 6/6/2024, với thị giá 43.700 đồng/cp, giá trị vốn hóa của Vingroup đạt mức hơn 167.000 tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD) và đã chính thức rời khỏi top 10 công ty có giá trị lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dù không giảm mạnh so với đầu năm 2024, nhưng việc công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi đó đã rời khỏi top 10 này đến từ việc vốn hóa của nhiều doanh nghiệp tăng phi mã trong nửa đầu năm 2024. Ví dụ như vốn hóa của Viettel Global tăng gần 200.000 tỷ đồng; ACV tăng hơn 100.000 tỷ đồng; FPT hay Techcombank cũng tăng đến hơn 50.000 tỷ đồng thời điểm đó. Các công ty này đều chứng kiến sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2024, tạo đà tăng cho cổ phiếu.
Ngoài việc các công ty khác ghi nhận vốn hóa tăng mạnh trong nửa đầu năm, nhiều nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào Vingroup thời điểm đó cũng khiến cổ phiếu VIC chưa thể bứt phá.
VIC tiếp tục giao dịch trong vùng giá đi quang 40.000 - 50.000 đồng/cp trong suốt năm 2024.
Mãi đến những tháng đầu năm 2025, điều bất ngờ đã xảy ra. Cổ phiếu VIC tăng chóng mặt đã đẩy vốn hóa thị trường của Vingroup lên xấp xỉ 230.000 tỷ đồng (9 tỷ USD).
Con số này đưa tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng vượt qua VietinBank và Viettel Global để trở lại top 3 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, trong khi trước đó doanh nghiệp này vẫn còn nằm ngoài top 10 vốn hóa sàn chứng khoán.
Nhóm Vingroup tiếp tục nổi sóng sau đó khi Vinpearl - một công ty trong hệ sinh thái đến gần “giờ G” niêm yết. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng này đã nộp hồ sơ từ ngày 3/3 và đang chờ đợi quyết định từ HOSE.
Theo thông tin mới nhất tại ĐHĐCĐ thường niên, Vinpearl sẽ niêm yết trong tháng 5 tới đây.
Và hiện tại với mức giá 67.000 đồng/cp như đã đề cập ở trên, Vingroup đã trở lại vị trí á quân vốn hoá sàn chứng khoán.
© vietpress.vn