hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương tiện xanh nếu học hỏi các mô hình xây dựng trạm sạc đang được nhiều nước châu Á áp dụng hiệu quả.
TP Hà Nội đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về phát triển hệ thống trạm sạc điện và chuyển đổi phương tiện xanh. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là xây dựng mạng lưới trạm sạc cho cả xe máy và ôtô điện – điều kiện quan trọng để khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện gặp nhiều khó khăn khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật chung cho các loại trạm sạc. Sự thiếu thống nhất giữa các nhà sản xuất và đơn vị cung ứng xe điện khiến việc xây dựng hệ thống dùng chung trở nên hạn chế. Ngoài ra, Hà Nội chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới điện và hạ tầng sạc, trong khi nhu cầu sử dụng xe điện dự kiến tăng mạnh từ năm 2026. Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng sạc vẫn vướng nhiều rào cản do chưa có khung pháp lý rõ ràng liên quan đến vận hành, giá dịch vụ và cơ chế quản lý.
Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể tham khảo mô hình triển khai trạm sạc xe máy điện tại Trung Quốc – nơi hiện có hơn 400 triệu phương tiện hai bánh sử dụng điện.
Tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, hệ thống trạm sạc được thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt và có chi phí thấp. Mỗi trạm thường có từ 6 đến 20 cổng sạc, chiếm diện tích chưa đến 5 mét vuông, được đặt ở các khu vực như tầng hầm chung cư, ki-ốt ven đường, bãi đỗ xe công cộng, siêu thị hoặc trạm xe buýt. Với chi phí đầu tư chỉ vài chục triệu đồng, mỗi trạm vẫn có thể phục vụ hàng chục lượt sạc mỗi ngày.
Hầu hết các trạm sạc đều được tích hợp công nghệ điều khiển thông minh. Người dùng có thể định vị trạm gần nhất, chọn giờ sạc, theo dõi điện năng và thanh toán trực tuyến thông qua ứng dụng điện thoại. Một số trạm còn có khả năng điều phối phụ tải theo thời gian thực, ưu tiên hoạt động vào giờ thấp điểm để giảm áp lực cho hệ thống điện.
Đáng chú ý, Trung Quốc cấm hoàn toàn việc sạc xe trong hành lang và lối thoát hiểm nhằm phòng tránh cháy nổ. Các trạm công cộng bắt buộc phải tích hợp cảm biến nhiệt, hệ thống tự ngắt dòng điện và kết nối giám sát từ xa với lực lượng phòng cháy địa phương.
Bên cạnh phương thức sạc truyền thống, nhiều thành phố tại Trung Quốc đã phát triển mạnh mô hình đổi pin nhanh. Thay vì chờ đợi, người dùng chỉ mất 1 đến 2 phút để đổi pin mới. Các hãng xe điện đã thống nhất sử dụng pin tiêu chuẩn 48V hoặc 60V, cho phép linh hoạt hoán đổi giữa nhiều dòng xe khác nhau.
Việc đồng bộ hóa pin và giao thức kết nối tạo ra một hệ sinh thái đổi pin chung, giúp tiết kiệm thời gian, giảm áp lực lưới điện vào giờ cao điểm và kéo dài tuổi thọ pin nhờ hệ thống kiểm soát tập trung. Mô hình này đặc biệt phù hợp với nhóm tài xế công nghệ, giao hàng – những người cần sạc nhanh và di chuyển liên tục trong ngày.
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang có những cách tiếp cận đáng học hỏi. Tại Hàn Quốc, chính quyền Seoul và Busan đã tích hợp trạm sạc vào hệ thống giao thông công cộng. Người dân có thể sạc xe điện ngay tại các điểm dừng xe buýt, trạm metro hoặc bãi xe đạp, giúp tối ưu hóa không gian và tiết kiệm thời gian.
Trong khi đó, tại Indonesia và Ấn Độ, chính phủ hợp tác với doanh nghiệp tư nhân để mở rộng hệ thống trạm sạc. Tại Ấn Độ, nhiều công ty được hỗ trợ đất công, miễn thuế nhập khẩu thiết bị sạc với điều kiện triển khai trạm ở các khu vực có thu nhập thấp, nhằm đảm bảo tính phổ cập và công bằng trong tiếp cận hạ tầng điện khí hóa.
Để thực sự chuyển mình trong quá trình phát triển phương tiện xanh, Việt Nam cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật riêng cho từng loại trạm sạc, xây dựng quy hoạch điện năng và hạ tầng cụ thể cho từng đô thị, đồng thời có cơ chế rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư.
Trạm sạc xe máy nên có quy mô nhỏ, chi phí thấp và được lắp đặt linh hoạt tại các khu dân cư, bãi gửi xe, trạm xăng hoặc trạm xe buýt. Song song đó, việc từng bước xây dựng tiêu chuẩn pin dùng chung sẽ là chìa khóa để phát triển mạng lưới đổi pin đồng bộ, tiết kiệm và thuận tiện.
URL: https://vietpress.vn/viet-nam-hoc-hoi-gi-tu-cac-nuoc-ve-xay-tram-sac-xe-dien-d98365.html
© vietpress.vn