hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Lẽ ra hoàn thành cuối năm 2017, hai dự án gần 10.000 tỷ đồng đình trệ từ năm 2021 vì một số vướng mắc trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng, triển khai dự án.
Chiều 8/1, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra hai dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 giai đoạn 2014-2024. Mục đích là để đánh giá việc chấp hành pháp luật trong triển khai thực hiện; phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có); xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; phát hiện những bất cập, sơ hở của pháp luật; qua đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Trước đó, kết luận tại Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu tiến hành thanh tra hai dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam, hoàn thành kết luận thanh tra trước 31/3/2025, sau đó triển khai ngay các biện pháp để đưa hai bệnh viện vào hoạt động.
Cũng trong ngày 8/1, tại họp báo chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Y tế cho hay bộ này sẽ cố gắng hoàn thành và đưa dự án Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vào hoạt động trong năm 2025.
Trả lời các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay hai dự án này được thực hiện theo gói thầu EPC (vừa thiết kế, vừa thi công và vừa cung cấp thiết bị công nghệ). Đây là loại hình đầu tư mới ở thời điểm năm 2014 (năm khởi công dự án) nên trong quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Từ tháng 1/2021, nhà thầu tạm dừng thi công. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ công tác để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp.
Tổ công tác do bộ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng, một thứ trưởng Bộ Y tế và thứ trưởng các bộ khác như KH&ĐT, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính… là thành viên.
Từ tháng 2/2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức trên 20 cuộc họp để đưa ra các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng đã chủ trì ba cuộc họp Thường trực Chính phủ, các Phó Thủ tướng chủ trì nhiều cuộc họp để nghe Bộ Y tế, tổ công tác báo cáo.
Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ Y tế, tổ công tác đã hoàn thiện được phương án và đã chính thức trình Chính phủ ngày 6/1/2025.
Bắt đầu từ đầu tháng 11/2024, các nhà thầu đã thi công trở lại. Ông Tuyên nói Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị thi công phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi được cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo. “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong năm 2025”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói với các phóng viên.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường, 118.941 m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác. Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường, 117.714 m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.
Hai dự án đã hoàn thành xây dựng bao nhiêu %?
Trả lời báo chí về tiến độ của 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2, chiều 20/12/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, vướng mắc của hai dự án liên quan đến quá trình thực hiện, ký kết hợp đồng, triển khai dự án, thậm chí có nội dung chưa tuân thủ đúng quy định tại các nghị định và thông tư hiện hành.
Vì vậy, qua quá trình rà soát, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết khó khăn, vướng mắc của hai dựa án này.
Hiện nay, về phần xây dựng, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện 97%, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức cũng đã xây dựng xong 85%. Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, về phần xây dựng, hai dự án có thể được hoàn tất trong 6 tháng.
Về thiết bị y tế, Thứ trưởng cho biết, nội dung này được phê duyệt từ năm 2014-2015, Bộ Y tế sẽ rà soát để đối chiếu với thực tiễn và tổ chức mua sắm thiết bị y tế, mỗi dự án gần 1.000 tỷ đồng.
Lẽ ra hoàn thành cuối năm 2017
Sáng 13/12/2014, lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được tổ chức tại Hà Nam. Vị trí xây dựng hai bệnh viện là khu vực nút giao Liêm Tuyền, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km.
Theo Bộ trưởng Y tế thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, quá tải bệnh viện là vấn đề nan giải đã tồn tại từ lâu. Số giường bệnh trên một vạn dân của nước ta vẫn thuộc dạng thấp trong khu vực. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như dân số hằng năm tăng khoảng 900.000, tương đương một tỉnh; mô hình bệnh tật thay đổi; đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu...
Xác định giảm tải bệnh viện tuyến cuối là vấn đề cấp bách, Chính phủ cho phép xây 5 bệnh viện trung ương tại Hà Nam và TP HCM với tổng số tiền đầu tư 20.000 tỷ đồng. Cơ sở 2 của Bạch Mai và Việt Đức sẽ là hai bệnh viện hiện đại, lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. “Và đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế”, Bộ trưởng Tiến nói khi đó.
Theo tài liệu của Bệnh viện Bạch Mai, Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha, khánh thành giai đoạn I vào tháng 12/2016, khánh thành toàn bộ tháng 12/2017.
Mục tiêu là xây dựng mới cơ sở 2 thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, có đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và trang bị hiện đại, đồng bộ để chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu như tim mạch, nội khoa, ung biếu, thận tiết niệu, hô hấp.
URL: https://vietpress.vn/vi-sao-hai-du-an-bach-mai-viet-duc-co-so-2-bi-thanh-tra-d91818.html
© vietpress.vn