hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Jingdong và Meituan đối đầu trực diện vì lợi ích cốt lõi, shipper trở thành "con tin" trong cuộc chiến độc quyền.
Thị trường giao đồ ăn và bán lẻ tức thời tại Trung Quốc đang chứng kiến cuộc đối đầu đầy kịch tính và căng thẳng giữa hai gã khổng lồ thương mại điện tử: Jingdong và Meituan. Kể từ khi Jingdong Takeout chính thức gia nhập cuộc chơi vào ngày 1/3, chỉ vỏn vẹn 51 ngày, những cuộc chạm trán liên tiếp giữa hai nền tảng này đã biến lĩnh vực bán lẻ tức thời thành một chiến trường khốc liệt, nơi cả hai bên đều dồn toàn lực để giành chiến thắng. Đây không chỉ là một cuộc cạnh tranh thương mại thông thường, mà đã trở thành một "cuộc chiến sinh tử", nơi lợi ích cốt lõi của mỗi bên bị đụng chạm trực tiếp.
Theo phân tích từ các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến giữa Jingdong và Meituan đang diễn ra trên nhiều mặt trận. Từ việc tranh giành các cửa hàng đối tác, đổ tiền trợ cấp để thu hút người dùng, cho đến việc kiểm soát và thao túng nguồn lực shipper - "linh hồn" của ngành giao hàng. Những hình ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện nội bộ được cho là của Meituan, với nội dung đe dọa sẽ chặn vĩnh viễn các shipper nếu họ dám chạy đơn cho nền tảng khác, đã lan truyền rộng rãi và gây ra làn sóng phẫn nộ. Dù Meituan đã lên tiếng bác bỏ, gọi đó là "tin đồn và bịa đặt", nhưng những động thái sau đó từ Jingdong đã phần nào xác nhận sự tồn tại của cuộc cạnh tranh không lành mạnh này.
Đáp trả những hành vi bị cho là độc quyền và chèn ép từ phía Meituan, Jingdong đã liên tiếp tung ra các chiêu bài mạnh mẽ để bảo vệ và thu hút đội ngũ shipper. Trong bức "Thư ngỏ gửi toàn thể anh em shipper giao đồ ăn" ngày 21/4, Jingdong đã tuyên bố sẽ "chống lưng" cho các shipper bị "phong sát" bởi đối thủ, cam kết đảm bảo đủ đơn hàng để thu nhập của họ không bị giảm.
Đồng thời, Jingdong cũng mạnh tay tăng cường tuyển dụng shipper toàn thời gian, dự kiến nâng số lượng từ 50.000 lên 100.000 người trong ba tháng tới, cam kết đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội và các khoản phúc lợi khác. Đặc biệt, Jingdong khẳng định sẽ không bao giờ ép buộc shipper bán thời gian "chọn một trong hai" mà khuyến khích họ tự do nhận đơn trên tất cả các nền tảng để tối đa hóa thu nhập, một động thái được cho là nhằm đánh thẳng vào chính sách kiểm soát shipper của đối thủ.
Bối cảnh đằng sau cuộc chiến khốc liệt này nằm ở việc cả Jingdong và Meituan đều đang cố gắng xâm nhập vào lĩnh vực bán lẻ tức thời - một thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh. Meituan, với thế mạnh truyền thống về giao đồ ăn, đang mở rộng sang các ngành hàng khác như thực phẩm tươi sống, kỹ thuật số 3C, thiết bị gia dụng thông qua thương hiệu "Meituan Flash Purchase". Mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ tức thời toàn diện, dựa trên mạng lưới shipper và cơ sở dữ liệu người dùng khổng lồ.
Ngược lại, Jingdong, vốn là ông trùm trong lĩnh vực thương mại điện tử truyền thống, đang tận dụng thế mạnh về logistics và chuỗi cung ứng để lấn sân sang bán lẻ tức thời. Chiến lược của Jingdong là sử dụng hoạt động giao đồ ăn tần suất cao để kéo theo nhu cầu giao hàng tức thời cho các mặt hàng giá trị cao tần suất thấp, từ đó thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Mô hình 3 km của Jingdong (Mô hình tập trung vào ba yếu tố của bán lẻ tức thời gồm nhu cầu tức thời, nguồn cung tại địa phương và giao hàng tức thời. Mô hình này cung cấp ba khả năng cốt lõi là số hóa, tích hợp chuỗi cung ứng địa phương và phân phối tức thời. Đây được xem là mô hình vòng kín hiệu quả "người tiêu dùng đặt hàng, cửa hàng vận chuyển và hàng hóa được giao trong vòng vài giờ" trong phạm vi 3-5 km), tích hợp các nguồn lực ngoại tuyến, được kỳ vọng sẽ bù đắp những điểm yếu của thương mại điện tử từ xa và chống lại sự bành trướng của Meituan vào các ngành hàng lợi nhuận cao.
Cuộc đụng độ giữa Jingdong và Meituan chính là sự va chạm trực tiếp vào lợi ích cốt lõi của cả hai bên, hay nói cách khác là động vào miếng bánh mà đối phương đang muốn chiếm lĩnh. Sự cạnh tranh gay gắt này được thể hiện rõ qua cả những tuyên truyền bằng ngôn từ và các chính sách đấu đá nhau, cho thấy quyết tâm "chiến đến cùng" của cả hai.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Trần Lễ Đằng từ Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Điện tử NetEase, cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là cạnh tranh thị phần, mà còn là cuộc đua để xây dựng hệ sinh thái và nâng cao sự gắn kết của người dùng. Đối với Meituan, bán lẻ tức thời là trọng tâm của chiến lược "bán lẻ + công nghệ", giúp tạo ra một chuỗi giá trị khép kín. Đối với Jingdong, đây là cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động, bù đắp những hạn chế và chống lại sự xâm lấn của đối thủ.
Ông Trần Lễ Đằng dự báo cuộc chiến này sẽ bước vào giai đoạn "trường kỳ kháng chiến", đòi hỏi cả hai bên phải có sự đầu tư bền bỉ và chiến lược dài hơi. Hiệu quả của mạng lưới logistics, chiều sâu của việc cải tạo chuỗi cung ứng, khả năng chiếm lĩnh tâm trí người dùng, sự hợp tác hệ sinh thái và sức chịu đựng trong đầu tư dài hạn... đều sẽ là những yếu tố quyết định ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc "đại chiến" đầy khốc liệt này.
Tuy nhiên, dù kết quả cuối cùng ra sao, cuộc cạnh tranh giữa Jingdong và Meituan chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ tức thời theo hướng hiệu quả và nhân văn hơn, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người lao động.
© vietpress.vn