hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Cuộc đua vào các trường tư đang ngày càng khốc liệt, không chỉ về điểm số mà cả về mặt tâm lý, sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
“Mỗi tối con tôi phải làm 2 đề toán tư duy, đọc tiếng Anh 30 phút, học thêm ở 2 trung tâm luyện thi. Tuần nào cũng có 1 bài khảo sát”, chị Minh Anh (45 tuổi, quận Đống Đa, TP Hà Nội) có con chuẩn bị vào lớp 1 cho biết.
Đó không phải là lịch học của một học sinh lớp 5 ôn thi vào cấp 2, mà là của một bé 5 tuổi – đang chuẩn bị bước vào lớp 1. Tại Hà Nội, cuộc đua vào các trường tiểu học tư thục “top đầu” như Vinschool, VAS, Newton,… ngày càng căng thẳng. Và chính trẻ mẫu giáo, ở độ tuổi đáng lẽ vô lo vô nghĩ, lại đang bị đẩy vào những guồng quay thi cử, luyện đề như một “gà chiến nhí”.
Nhiều trường tư thục không tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 1 theo nghĩa truyền thống, nhưng lại có các vòng “phỏng vấn”, “đánh giá năng lực”, hay “trắc nghiệm đầu vào” khiến phụ huynh phải đổ xô cho con đi luyện thi, luyện nói, luyện phỏng vấn... từ rất sớm.
Anh Lê Quang Tú (40 tuổi, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), có con đang học mẫu giáo lớn, cho biết anh đã chi hơn 30 triệu đồng cho các khóa luyện phỏng vấn và tư duy ngôn ngữ, logic cho con: “con chưa biết viết chữ nhưng đã phải học toán tư duy, học trình bày suy nghĩ bằng tiếng Anh. Tôi lo nếu không đầu tư sớm, con sẽ bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ”.
Con gái sắp vào lớp 1, chị Nguyễn Minh Hằng (36 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bắt đầu kế hoạch ôn luyện từ khi bé mới 4 tuổi. Mục tiêu của chị là một suất vào trường tư thục “hot” tại Hà Nội, nơi tuyển sinh không chỉ qua hồ sơ mà còn bằng phỏng vấn và đánh giá năng lực. “Hỏi ai cũng bảo phải học trước, luyện trước mới có cửa. Mình không thể không theo”, chị Hằng chia sẻ.
Hiện tại, con gái chị mỗi tuần học 2 buổi tiếng Anh, thêm 1 buổi Toán tư duy và 1 buổi luyện viết. 17h đón con, cho ăn vội cái bánh ngọt rồi đưa đến lớp học thêm. Bé học đến 19h, về nhà ăn cơm, tắm rửa rồi lại làm bài tập, lịch trình dày đặc như học sinh cấp 2.
Chi phí cho việc học thêm mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, chưa kể phát sinh. Dù áp lực và tốn kém, chị Hằng vẫn chấp nhận. “Ở thành phố, cuộc đua vào lớp 1 rất khốc liệt. Tôi muốn con có khởi đầu tốt, vì tương lai sau này”, chị bày tỏ.
Không chỉ gia đình chị Huyền, câu chuyện “học trước lớp 1” cũng là thực tế ở nhiều gia đình khác tại Hà Nội.
Chị Minh Trang (37 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đã đăng ký cho con hàng loạt lớp học: luyện chữ, ôn kiến thức đầu vào trường chất lượng cao và cả lớp piano phát triển kỹ năng mềm. Chị tin rằng ngoài kiến thức, các môn nghệ thuật giúp con tự tin, phát triển toàn diện.
Hai vợ chồng thay nhau đưa đón con, đảm bảo bé không bỏ sót buổi học nào. “Chồng tôi nhiều lần khuyên nên giảm lịch học, cho con nghỉ ngơi. Nhưng bỏ môn nào tôi cũng tiếc, sợ con thua bạn kém bè”, chị Trang bộc bạch.
Dù có lúc con mệt mỏi, uể oải, chị vẫn kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn. “Phải chuẩn bị từ mầm non thì con mới đủ sức bước vào cánh cửa các trường top đầu”, chị nói.
Cô Lê Hằng, giáo viên lớp mẫu giáo lớn tại một trường mầm non tư thục tại quận Hà Đông, TP Hà Nội chia sẻ, việc trẻ phải học thêm liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
“Không ít phụ huynh cảm thấy bất an nếu con không đi học thêm, nhưng học nhiều chưa chắc đã hiệu quả. Quan trọng là phải xem con có đủ sức khỏe, trí nhớ và tâm lý để theo nổi lịch học dày đặc hay không”, cô Hằng nhấn mạnh.
Theo cô, trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đang bước vào giai đoạn học tập nền tảng đầu đời. Nếu bị ép học quá sức, trẻ có thể rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi, ảnh hưởng dài hạn đến quá trình học sau này.
Cô Hằng cho rằng, không chỉ trẻ, chính phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý khi con bước vào tiểu học. Việc con viết chưa đẹp, làm toán sai hay tiếp thu chậm là điều bình thường. Nếu cha mẹ quá sốt ruột, thể hiện lo lắng, trẻ sẽ dễ mất tự tin, thậm chí sợ hãi trước những thất bại đầu tiên.
“Trẻ cần được phép sai và học từ những sai lầm đó. Khi cảm thấy an toàn và yêu thích học tập, các con mới phát triển toàn diện, điều quan trọng hơn bất kỳ thành tích nào”, cô nhấn mạnh.
Chuyên gia giáo dục nhận định mong muốn cho con vào trường tốt, được học tập và phát triển toàn diện là nguyện vọng chính đáng của nhiều phụ huynh. Nhiều người tin rằng học cùng môi trường với các bạn giỏi sẽ giúp con mình trở nên xuất sắc hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên đăng ký quá nhiều kỳ khảo sát, phỏng vấn đầu vào cùng lúc. “Việc dàn trải thi cử không chỉ gây áp lực ngược cho chính cha mẹ, mà còn khiến trẻ mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng thể hiện” vị này nói.
Theo chuyên gia, phụ huynh nên coi mỗi kỳ khảo sát là một trải nghiệm học tập, không phải cuộc đua khốc liệt. Điều quan trọng là tạo tâm thế thoải mái cho trẻ, không biến việc chuẩn bị vào lớp 1 thành nỗi ám ảnh.
Chuyên gia nhấn mạnh, thay vì chạy theo số lượng kỳ thi, cha mẹ nên tập trung tìm môi trường giáo dục phù hợp với năng lực và sở thích của con. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng các giá trị nền tảng như thể chất, cảm xúc, tư duy và kỹ năng sống - những yếu tố bền vững giúp trẻ thành công lâu dài.
URL: https://vietpress.vn/tre-5-tuoi-luyen-thi-nhu-si-tu-am-anh-vao-lop-1-truong-tu-top-dau-d94947.html
© vietpress.vn