hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2028 sẽ có 3.000 trạm sạc và đổi pin xe máy điện, đảm bảo mỗi điểm cách nhau không quá 800 m trong nội thành.
TP HCM hiện chỉ có khoảng 600 điểm sạc công cộng dành cho xe máy điện, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS). Con số này mới chỉ đáp ứng được dưới 10% nhu cầu dự kiến, trong bối cảnh thành phố hướng tới mục tiêu phục vụ 350.000 đến 400.000 xe điện hai bánh trong tương lai gần.
Tình trạng thiếu điểm sạc đang ảnh hưởng rõ rệt đến nhóm tài xế công nghệ – lực lượng đang có tốc độ chuyển đổi sang xe điện nhanh nhất hiện nay. Phần lớn các điểm sạc không được đặt gần nơi ăn uống, nghỉ ngơi hay giao hàng, gây tốn thời gian, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và trải nghiệm người dùng.
Trước áp lực hạ tầng, TP HCM đã đề ra mục tiêu có ít nhất 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng trước tháng 12/2028. Theo quy hoạch, các phường nội thành phải đảm bảo mỗi tài xế có thể tiếp cận trạm sạc trong bán kính không quá 800 m, còn tại các trục logistics liên tỉnh là không quá 2 km. Hệ thống trạm sẽ ưu tiên bố trí tại quán cà phê, siêu thị tiện lợi, bãi đỗ xe và các điểm có mật độ tài xế hoạt động cao.
Thành phố cũng sẽ công bố danh sách mặt bằng công được ưu tiên cho thuê làm trạm sạc. Các đơn vị tham gia đầu tư có thể được miễn hoặc giảm phí thuê trong 1 đến 3 năm đầu nhằm thúc đẩy triển khai nhanh chóng. Điện lực TP HCM sẽ phối hợp cùng chính quyền nâng cấp các điểm nút 22 kV có nguy cơ quá tải trong giai đoạn 2025–2027 để đảm bảo nguồn điện vận hành ổn định.
Kế hoạch xây dựng mạng lưới trạm sạc được chia làm ba giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7/2025. Trong giai đoạn đầu tiên kéo dài đến cuối năm 2026, TP HCM sẽ triển khai 250 trạm sạc và đổi pin đạt chuẩn công suất dưới 15 kW, tập trung phục vụ nhu cầu cơ bản của người dùng mới. Các trạm sẽ được bố trí theo nguyên tắc "tam giác 2 km" nhằm phủ đều các khu dân cư, tiết kiệm chi phí di chuyển và thời gian chờ đợi. Một phần trong số này sẽ thí điểm sử dụng điện mặt trời áp mái, tận dụng hạ tầng sẵn có từ bãi đỗ xe công và cây xăng chuyển đổi.
Sang năm 2027, thành phố bước vào giai đoạn nhân rộng với mục tiêu triển khai 1.000 điểm sạc công cộng, trong đó có 750 điểm đổi pin mô-đun nhằm rút ngắn thời gian “nạp năng lượng” cho xe. Mạng lưới lúc này sẽ vận hành theo mô hình “tổ ong”, đảm bảo khoảng cách tiếp cận không quá 1 km trong nội đô và 3 km ở vùng ven. Khoảng 200 điểm trong số này sẽ được lắp điện mặt trời nhằm tăng tính bền vững và giảm tải cho lưới điện.
Giai đoạn cuối từ tháng 1 đến 12/2028 được xác định là giai đoạn “về đích”. Thành phố sẽ nâng tổng số điểm sạc lên khoảng 2.400, đồng thời áp dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh cho phép điều phối phụ tải theo thời gian thực. Ít nhất 20% số trạm được trang bị năng lượng mặt trời, tạo nền tảng cho mạng lưới vận hành độc lập và thân thiện môi trường.
Cùng với đó, TP HCM dự kiến áp dụng biểu giá điện riêng cho hệ thống trạm sạc. Giá điện sẽ được giảm 30% từ 23h đến 5h sáng hôm sau nhằm khuyến khích dịch tải về ban đêm, đồng thời phụ thu 20% trong khung giờ cao điểm từ 17h đến 21h. Chính sách này được đánh giá là hợp lý để điều tiết phụ tải và thúc đẩy thói quen sạc xe vào thời điểm ít áp lực cho lưới điện.
Với chiến lược phân lớp trạm sạc theo từng hành vi sử dụng – từ sạc nhanh tại bãi dừng nghỉ, đổi pin tốc độ cao tại điểm giao hàng đến sạc chậm tại chung cư – TP HCM kỳ vọng sẽ phục vụ tới 98% nhu cầu tài xế công nghệ trong 3 năm tới. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển giao thông xanh, góp phần hoàn thiện hạ tầng cho đô thị thông minh và bền vững.
URL: https://vietpress.vn/tp-hcm-du-kien-trien-khai-3000-tram-sac-d98392.html
© vietpress.vn