hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng trưởng hai con số hàng năm, hàng loạt quán “cà phê nông thôn” mới mọc lên như một xu hướng mới trong giới trẻ.
Asa Jin hiếm khi ghé lại cùng một quán cà phê ngoại ô hai lần. Cô uống một ly cà phê, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên, chụp vài tấm ảnh đăng mạng xã hội, rồi bắt đầu suy nghĩ về quán tiếp theo sẽ ghé trong vô vàn lựa chọn mới nổi lên.
“Hầu hết các quán cà phê nông thôn hiện nay đều theo đuổi phong cách hợp xu hướng, nhắm vào người dùng mạng xã hội nhưng điều đó không bền vững”, Asa, 37 tuổi, làm nghề tự do tại Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) chia sẻ. Cô cho biết nhiều quán đang cố thu hút khách bằng “bối cảnh thiên nhiên độc đáo”. Điều này lý tưởng với những người thích chụp ảnh như cô.
“Nhưng chỉ sau một lần ghé, cảm giác mới lạ đã không còn”, cô nói thêm.
May mắn cho Asa, có thể chỉ vài bước chân là sẽ có một quán mới chờ cô khám phá.
Dù trà từ lâu là thức uống truyền thống tại Trung Quốc, văn hóa cà phê đang bùng nổ và lan rộng ra vùng nông thôn. Hiện nay, ngành công nghiệp cà phê của Trung Quốc đạt quy mô 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) và dự báo tiêu thụ vẫn sẽ tăng trưởng hai con số trong năm nay, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn.
Được gọi là “quán cà phê nông thôn”, những cửa hàng ở vùng ven được xem là mô hình “chấn hưng nông thôn” mới khi vừa tạo việc làm vừa thúc đẩy kinh tế địa phương, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Quán Deep Blue ở huyện An Cát (Chiết Giang) hoạt động theo mô hình “hai đầu tư, ba nguồn thu”. Người dân được chia cổ tức từ cổ phần, thu nhập cho thuê đất và tiền công làm việc sau khi giao đất hoặc làm việc tại quán.
Thành công của mô hình này đã kích thích “cơn sốt cà phê”, riêng huyện An Cát hiện có hơn 300 quán, dù chỉ có khoảng 600.000 dân. Mật độ quán cà phê tại đây thậm chí còn cao hơn Thượng Hải, nơi có dân số gấp 40 lần.
Trên toàn quốc, có hơn 40.000 quán cà phê đang hoạt động ở vùng ven, theo các báo cáo truyền thông Trung Quốc. Hai tỉnh dẫn đầu là Vân Nam và Quảng Đông.
Tuy nhiên, khi “làng cà phê” trở thành hiện tượng, thách thức cũng bắt đầu xuất hiện khi thị trường có dấu hiệu bão hòa.
“Mặc dù nhu cầu cà phê vẫn sẽ tăng, nhưng tốc độ mở quán đang vượt xa tốc độ tăng tiêu dùng. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận trong ngành cà phê nông thôn”, giáo sư Lý Bân từ Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương cảnh báo.
Để nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh, nhiều quán cà phê ở nông thôn đang phải vật lộn để tạo ra sự cân bằng giữa việc cung cấp các sản phẩm cà phê chất lượng, tạo ra lợi nhuận và phục vụ những khách hàng đang tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo.
Tại huyện Đức Bình, không xa An Cát, quán Gelien Coffee hiện đứng đầu bảng xếp hạng trên nền tảng đánh giá Dianping (tương tự TripAdvisor). Quán gây chú ý trên mạng xã hội nhờ khu vực xung quanh được thiết kế như một vùng đất châu Âu thu nhỏ, gợi liên tưởng đến Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, gần 30% đánh giá về Gelien lại ở mức trung bình hoặc tiêu cực. Nhiều người phàn nàn “cà phê dở”, “chỉ hợp chụp ảnh”, “giống cà phê hòa tan”. Chủ quán từ chối trả lời khi được liên hệ.
“Liệu một quán có thể biến khách ‘ghé thử’ thành khách thường xuyên hay không, đó mới là tiêu chí đánh giá thành công”, Zhou Haojie, 49 tuổi, một người pha chế nhận định.
Tháng 5 vừa qua, Zhou Haojie quyết định mạo hiểm đóng cửa nhà hàng ở Đức Bình để mở quán cà phê ngay tại nhà.
Zhou hy vọng các video quảng bá sẽ giúp giới thiệu nhiều quán cà phê nhỏ như của ông, thay vì chỉ tập trung vào những quán nổi tiếng. Tuy nhiên, khi nhiều làng cùng đua nhau thu hút du khách và cư dân đô thị, nguy cơ đồng nhất hóa bắt đầu xuất hiện.
Theo truyền thông Trung Quốc, 98% các quán cà phê nông thôn ở Chiết Giang đều sử dụng “không gian thiên nhiên” trong thiết kế.
“Việc phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch nông thôn đang gặp điểm nghẽn. Mô hình kinh doanh đồng loạt, thiếu văn hóa bản địa và tài nguyên hỗ trợ đang cản trở sự phát triển bền vững”, giáo sư Lý Bân đánh giá.
URL: https://vietpress.vn/tin-do-ca-phe-trung-quoc-bo-pho-ve-que-tim-trai-nghiem-moi-d97793.html
© vietpress.vn