hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Thị trường bán lẻ khuyến mại sâu dịp lễ 30/4-1/5, cá rô phi Việt Nam bứt phá tại thị trường Mỹ, bơ đầu mùa sốt giá... là những tin tức tiêu dùng nổi bật tuần qua.
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, hệ thống siêu thị tại Hà Nội và TP HCM đồng loạt tung chương trình giảm giá sâu nhằm kích cầu tiêu dùng.
WinMart triển khai chiến dịch "Ưu đãi cực hời - Vui lễ thảnh thơi" với mức giảm giá đến 50% cho các mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đi kèm ưu đãi tặng quà.
Lotte Mart áp dụng chương trình "Siêu sale rực lửa" giảm tới 50% cho hơn 5.000 mặt hàng đến hết ngày 6/5. Một số sản phẩm nổi bật như dưa lê Hàn Quốc giá 62.000 đồng/trái, gà nướng sốt BBQ giảm giá kèm xôi đậu xanh.
Co.op Mart giảm giá mạnh hơn 1.000 sản phẩm OCOP 3-4 sao từ nhiều địa phương, đồng thời tổ chức hoạt động thiện nguyện "Hành trình hạnh phúc 2025" gây quỹ xã hội thông qua mỗi bức ảnh ghép bản đồ Việt Nam.
Các chuỗi bán lẻ như Aeon, MM Mega Market cũng ghi nhận lượng khách tăng 15-20%, giá trị giỏ hàng tăng 5-10%. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng để thị trường bán lẻ phục hồi bền vững, cần thêm các chính sách hỗ trợ thu nhập và tài chính cho người tiêu dùng.
Những ngày đầu tháng 4, cam sành miền Tây tràn ngập thị trường TP HCM và Hà Nội với mức giá "không tưởng" – chỉ từ 5.000 đồng/kg. Từ chợ truyền thống, vỉa hè đến sàn TMĐT, loại trái cây giàu vitamin C này đang phủ sóng khắp nơi, trở thành "người hùng giải nhiệt" cho mùa nắng nóng.
Tại quận Gò Vấp, chị Mỹ Dung – chủ tiệm trái cây nhỏ – cho biết chưa năm nào giá cam sành lại rẻ đến vậy: "Chỉ vài nghìn đồng/kg, dù đã tính phí vận chuyển. Mỗi ngày tôi bán hết 4-5 tạ cam". Các vựa lớn tại Vĩnh Long, Hậu Giang cũng tranh thủ đưa cam lên thành phố tiêu thụ, tránh tình trạng cam hỏng do sức mua nội địa chậm.
Theo anh Quốc Huy – chủ vựa trái cây ở Vĩnh Long, giá cam loại thường bán sỉ chỉ 2.000-2.500 đồng/kg, hàng tuyển cũng chỉ khoảng 5.000 đồng. Tại các chợ truyền thống TP HCM như Bà Chiểu, cam loại một cũng chỉ 7.000–10.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá chanh.
Nguyên nhân giá giảm sâu, theo giới thương lái, là do diện tích trồng cam sành tăng nhanh ngoài quy hoạch, nguồn cung vượt xa nhu cầu. Trong khi đó, thị trường nội địa đa dạng trái cây nhiệt đới khiến cam sành khó tiêu thụ, còn xuất khẩu gần như chưa có đầu ra ổn định.
Với giá chỉ từ 10.000 đồng/kg tại miền Bắc, cam sành đang trở thành lựa chọn kinh tế, giàu vitamin C, giúp tăng cường đề kháng tự nhiên trong mùa nắng nóng. Các chuyên gia nông nghiệp cũng cảnh báo, nếu không có chiến lược quy hoạch và xúc tiến xuất khẩu bài bản, tình trạng "được mùa mất giá" sẽ còn tiếp diễn.
Bước vào đầu tháng 5, các tỉnh Tây Nguyên rộn ràng mùa thu hoạch bơ đầu vụ. Tại Gia Lai, giá bơ 034 được nông dân bán ra tới 40.000 đồng/kg, trong khi ở Đắk Lắk và Đắk Nông, bơ sáp cũng đạt mức 22.000 đồng/kg – cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá bơ tăng vọt đã giúp nhiều hộ nông dân thu về từ 50 đến 100 triệu đồng chỉ trong một vụ. Tại TP HCM, giá bán lẻ cũng biến động theo: bơ 034 được rao bán tại chợ và cửa hàng với giá 50.000–70.000 đồng/kg, còn tại các siêu thị lớn, giá có nơi vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Quân, một thương lái chuyên thu mua bơ ở Đắk Lắk, cho biết đây là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2020, mang lại kỳ vọng lớn cho bà con sau nhiều năm bấp bênh. “Giá cao do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu đang tăng”, ông Quân phân tích.
Theo chị Trần Kim Duyên, chủ vựa nông sản tại Đắk Nông, thời tiết bất thường trong năm nay đã khiến năng suất bơ giảm mạnh. Giai đoạn bơ ra hoa đúng lúc không khí lạnh kéo dài, dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp. Bên cạnh đó, nhiều diện tích bơ bị phá bỏ trong những năm 2021–2024 do giá lao dốc, khiến sản lượng toàn vùng giảm đáng kể.
Các chuyên gia nông nghiệp dự báo, nếu thời tiết thuận lợi từ tháng 6 trở đi, sản lượng bơ sẽ cải thiện. Tuy nhiên, mức giá cao trong giai đoạn đầu mùa sẽ tiếp tục được duy trì, tạo cơ hội lớn cho nông dân Tây Nguyên phục hồi sau thời gian dài thua lỗ.
Xuất khẩu cá rô phi Việt Nam ghi nhận những bước tiến ngoạn mục trong năm 2024, với kim ngạch đạt 41 triệu USD, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước – theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Đặc biệt, thị trường Mỹ nổi lên như "đầu tàu" với kim ngạch nhập khẩu cá rô phi Việt Nam đạt 19 triệu USD, tăng vọt 572%. Ngoài Mỹ, xuất khẩu sang Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, gấp đôi so với năm ngoái.
Quý I/2025, đà tăng tiếp tục duy trì khi kim ngạch xuất khẩu cá rô phi đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ. Mỹ tiếp tục là thị trường chủ lực, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu, chủ yếu với các sản phẩm cá rô phi đông lạnh nguyên con, phi lê và thịt cá chế biến.
Bên cạnh lợi thế cạnh tranh về giá và thời gian nuôi ngắn (chỉ 5–6 tháng), cá rô phi Việt Nam còn được sản xuất trong môi trường an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện sở hữu khoảng 3.300 ha mặt nước có thể nuôi cá rô phi xen canh với tôm nước lợ, tạo thế mạnh phát triển bền vững. Việt Nam hiện đứng thứ 5 tại châu Á về sản lượng cá rô phi, sau Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh và Philippines.
Theo dự báo, quy mô thị trường cá rô phi toàn cầu sẽ
cán mốc 14,5 tỷ USD vào năm 2033, với sản lượng tiêu thụ tăng đều 13% mỗi năm.
Trong bối cảnh Mỹ nhập khẩu tới 200.000 tấn cá rô phi mỗi năm, dư địa phát triển
cho sản phẩm Việt Nam còn rất rộng mở.
© vietpress.vn