hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Lãnh đạo Vincom Retail cho biết, việc chưa chia cổ tức là để ưu tiên sử dụng dòng tiền mở rộng đầu tư, gia tăng giá trị tài sản.
Sáng 22/4, CTCP Vincom Retail (HoSE: VRE) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Trong phiên thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc một số trung tâm thương mại Vincom đang đóng cửa như Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), bà Trần Mai Hoa - Chủ tịch HĐQT Vincom Retail cho biết, với danh mục lên tới 88 trung tâm thương mại tại 48 tỉnh thành - quy mô lớn nhất trong nước, Vincom Retail triển khai phân nhóm thị trường để tối ưu vận hành. Các trung tâm hoạt động tốt ở khu vực trọng tâm sẽ tiếp tục được tập trung đầu tư, trong khi các trung tâm tại khu vực tỉnh sẽ có sự điều chỉnh ngành hàng phù hợp và làm quen với thị trường, tăng tỷ lệ lấp đầy và giá thuê.
Về việc phương án xử lý những tài sản không hiệu quả, Chủ tịch HĐQT Vincom Retail thông tin: “Chúng tôi định hướng tối ưu hóa, khai thác tốt hơn. Có thể phát triển mở rộng, khai thác hiệu quả hơn, hoặc nếu cần, chuyển đổi mô hình hay thậm chí là chuyển nhượng, bán đi để tập trung nguồn lực vào các tài sản có hiệu quả hơn”.
Theo Chủ tịch HĐQT Vincom Retail, về trải nghiệm khách hàng, các phiên bản của Vincom Mega Mall sẽ được nâng cấp lên từng phần. Công ty có chiến lược hỗ trợ khách hàng mở để phát triển thị trường. Về dài hạn, hiệu quả đầu tư của các trung tâm thương mại sẽ đuổi kịp các trung tâm trong nội đô.
Liên quan việc Vingroup thoái vốn, ông Trần Hồng Dương - Giám đốc đầu tư Vincom Retail thông tin, công ty cơ bản không có thay đổi nhiều về bộ máy hoạt động so với các năm trước. Các cổ đông mới đã trao đổi kỹ với doanh nghiệp để đồng thuận định hướng phát triển chung. Ban lãnh đạo cũng bổ sung, tăng cường nhân sự để đảm bảo thực hiện kế hoạch.
Về ảnh hưởng thuế quan Mỹ, theo ông Dương, Vincom Retail có ngành nghề hoạt động kinh doanh tập trung thị trường trong nước là chính, nên việc thay đổi thuế quan không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Vincom Retail. Dù vậy có thể có sự ảnh hưởng gián tiếp, bởi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng do sự thay đổi này trong khoảng 1-2 năm, dù vậy các doanh nghiệp này cũng sẽ tìm các cách khác nhau để thích nghi.
Tính đến 31/12/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC riêng của Vincom Retail đạt 699 tỷ đồng, trên báo cáo hợp nhất là 4,096 tỷ đồng. HĐQT trình phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế lũy kế 2024 để phục vụ hoạt động kinh doanh. Từ năm 2019 đến nay, Vincom Retail không chia cổ tức; lần chia duy nhất bằng tiền mặt là cho năm 2018 với tỷ lệ 10.5%.
Tại đại hội, bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Tài chính Vincom Retail chia sẻ, cho biết VRE chưa chia cổ tức giai đoạn này bởi hiện tại công ty đánh giá cơ hội kinh doanh đang rất lớn. Vincom Retail muốn tận dụng cơ hội này để tiếp tục đặt cọc, gia tăng quỹ đất tốt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và giá đất tăng.
Bổ sung ý kiến, ông Trần Hồng Dương nhận định, việc chưa chia cổ tức là để ưu tiên sử dụng dòng tiền mở rộng đầu tư, gia tăng giá trị tài sản. Nhà đầu tư vào Vincom Retail hiện nay là đang đầu tư vào một danh mục tài sản có vị trí tốt và tiềm năng tăng giá lớn trong dài hạn. Khi đầu tư vào Vincom Retail, là đang đầu tư vào một quỹ danh mục tài sản, gồm những tài sản ở vị trí rất tốt và có tiềm năng tăng giá mạnh.
“Phần lớn trung tâm thương mại mới của Vincom Retail nằm trong các đại đô thị Vinhomes - nơi có mật độ dân cư cao từ 150.000–200.000 người nên việc gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái Vingroup giúp công ty đảm bảo nguồn khách ổn định và đạt tỷ lệ lấp đầy 85–90% ngay khi khai trương, từ đó tối ưu hiệu quả khai thác tài sản”, ông Dương nói thêm.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 22/4, cổ phiếu VRE ở mức 20.600 đồng/CP.
Năm 2024, Vincom Retail ghi nhận tổng doanh thu 8,939 tỷ đồng và lãi sau thuế 4,096 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 7% so với năm 2023. Cơ cấu doanh thu năm 2024 cho thấy mảng kinh doanh TTTM (cho thuê và dịch vụ liên quan) đạt 7,878 tỷ đồng, chiếm phần lớn tỷ trọng. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản thương mại đạt 839 tỷ đồng.
Năm 2025, Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu 9,520 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cho thuê và dịch vụ liên quan khoảng 9,300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản dự kiến 220 tỷ đồng, tương đương 26% mức năm trước. Lãi sau thuế kỳ vọng 4,700 tỷ đồng, tăng 15% so với 2024.
Về tình hình kinh doanh trong quý 1/2025, doanh thu và lợi nhuận của VRE lần lượt đạt 22% và 25% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tăng trưởng khách đến trung tâm thương mại đạt khoảng 10%.
Năm 2025, Vincom Retail dự kiến khai trương 3 trung tâm thương mại (TTTM) mới gồm Vincom Mega Mall Ocean City, Vincom Mega Mall Royal Island và Vincom Plaza Vinh, đưa thêm gần 120,000 m2 GFA sàn bán lẻ ra thị trường.
Đối với 88 TTTM đang hoạt động, Vincom Retail sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai cải tạo, nâng cấp định vị để tối ưu hiệu quả kinh doanh. Một số điểm được tập trung nâng cấp bao gồm Vincom Center Đồng Khởi, Vincom Center Bà Triệu và các Vincom Mega Mall như Royal City, Times City, Thảo Điền. Đồng thời, tập trung phát triển các TTTM Mega Mall thế hệ mới - "One-stop Shoppertainment Destination", năm 2025 là Vincom Mega Mall Ocean City, năm 2026 sẽ là Vincom Mega Mall Global Gate (Cổ Loa, Hà Nội).
Ngoài phát triển TTTM, Vincom Retail tiếp tục đẩy mạnh mô hình khu phố thương mại với định hướng là điểm đến trải nghiệm, giải trí, không chỉ đơn thuần là nơi mua sắm. Các khu phố được thiết kế theo chủ đề riêng biệt như Làng Sake, Đảo Giải Trí, Làng Mỹ Vị, tạo dấu ấn khác biệt và thu hút nhóm khách hàng mục tiêu.
© vietpress.vn