hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Sau một vụ phản bội, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định chia tay hay tiếp tục của các cặp đôi. Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, cách cả hai người phản ứng sau biến cố chính là yếu tố then chốt.
Chị Tan (tên đã được thay đổi) và chồng kết hôn được khoảng 5 năm thì đầu năm 2024, chị bắt đầu nhận được tin nhắn từ một người lạ tố cáo chồng mình đang ngoại tình với đồng nghiệp. Khi đối chất, anh đã thừa nhận.
Chị Tan (37 tuổi, quản lý tại một công ty) chia sẻ với CNA: “Phản ứng đầu tiên của tôi là sốc. Sau đó là giận dữ, uất ức, buồn bã vì cảm giác mất mát. Mọi thứ đã không còn như trước”.
Chị nói chưa bao giờ nghi ngờ chồng dù anh thường xuyên về muộn vì đi nhậu. Chị tin rằng đó chỉ là cách để anh giải tỏa áp lực công việc.
Với anh Tan (35 tuổi), cuộc ngoại tình là một cách để “trốn chạy”. Anh không thể chia sẻ cảm xúc tiêu cực với vợ nên tìm đến rượu rồi cuối cùng là một mối quan hệ thể xác ngoài luồng kéo dài hơn một năm.
Các chuyên gia tâm lý cho biết ngoại tình, dù là cảm xúc, thể xác hay trên mạng không phải là điều hiếm gặp ở các cặp đôi đã kết hôn. Tuy nhiên, việc đối diện và thảo luận về nó một cách cởi mở vẫn là điều vô cùng khó khăn vì cảm giác xấu hổ và đau đớn.
Câu hỏi đặt ra là: Một mối quan hệ có thể thực sự phục hồi sau khi bị phản bội?
Theo chuyên gia tư vấn Beverly Foo đến từ Singapore, ngoại tình hiếm khi là hành vi bột phát. Nó thường là kết quả của quá trình xa cách dần dần khi niềm tin và sự gắn kết cảm xúc bị bào mòn.
Các cặp đôi, đặc biệt tại Singapore, thường phải xoay xở giữa công việc căng thẳng và trách nhiệm chăm sóc con cái dẫn đến việc thiếu thời gian dành cho nhau. Khi sự thân mật giảm sút, mối quan hệ dần trở nên căng thẳng.
“Khi khoảng cách cảm xúc lớn dần, một hoặc cả hai người sẽ đầu tư ít hơn vào mối quan hệ. Sự trân trọng phai nhạt, oán trách tăng lên và sự chú ý dần chuyển sang những điều thiếu hụt”, bà Foo nói.
Sự thiếu hụt về mặt cảm xúc khiến ranh giới với người ngoài dễ bị mờ nhạt. Một kết nối mới có thể trở nên hấp dẫn. Những cuộc trò chuyện vô tình ở nơi làm việc dần vượt quá giới hạn.
Bà Tammy Fontana, chuyên gia tư vấn tại All in the Family Counselling nhấn mạnh rằng ngoại tình không phải lúc nào cũng phản ánh sự suy đồi đạo đức mà có thể là dấu hiệu của những vấn đề sâu xa trong mối quan hệ hoặc do thiếu kỹ năng cảm xúc, trầm cảm, chấn thương tâm lý chưa được chữa lành.
Tại Singapore, sự kỳ thị xã hội và tư tưởng “giữ thể diện” khiến nhiều cặp đôi né tránh việc tìm kiếm hỗ trợ. Trường hợp của vợ chồng anh Tan là một ví dụ.
Các chuyên gia cho rằng không hẳn. Những yếu tố thực tế như con cái, sự phụ thuộc tài chính hay giá trị văn hóa cũng ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục hay kết thúc. Nhưng quan trọng hơn cả chính là cách hai người phản ứng sau vụ việc.
Bà Foo nhận định: “Nếu người phản bội chịu hoàn toàn trách nhiệm, chấm dứt mối quan hệ ngoài luồng và thể hiện sự hối hận một cách chân thành, không chỉ bằng lời nói mà còn qua hành động bền bỉ thì vẫn có nền tảng để xây dựng lại”.
Người bị tổn thương cũng cần cảm thấy đủ an toàn về mặt cảm xúc để bước vào hành trình chữa lành.
Chị Tan quyết định cho chồng cơ hội thứ hai, một phần vì hai con còn nhỏ, một phần vì anh Tan đã thành thật nhận lỗi, xin lỗi, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với người kia và nỗ lực hàn gắn.
“Nếu thiếu bất kỳ yếu tố nào, tôi nghĩ chúng tôi đã không thể tiếp tục”, chị nói.
Tuy vậy, cũng có những người chọn ra đi để bảo toàn giá trị cá nhân. Chị Willynn Ng, 37 tuổi, từng rời bỏ bạn trai sau hai lần bị phản bội.
“Đến một lúc nào đó, bạn nhận ra người kia luôn đặt bản thân lên trên cảm xúc của bạn. Và lúc đó, người duy nhất còn lại để chọn bạn là chính bạn”, Willynn Ng nói.
Chị cũng suy nghĩ đến việc làm gương cho bốn đứa con: “Tôi không thể để các con nghĩ rằng phản bội là điều bình thường trong tình yêu. Đó không phải là điều tôi muốn truyền lại cho thế hệ sau”.
Chuyên gia Lieu An An từ The Psychology Atelier khuyên rằng, ưu tiên ban đầu đề hàn gắn quan hệ là để những cảm xúc mãnh liệt như giận dữ hay tổn thương được lắng xuống.
Việc tạm xa nhau trong một khoảng thời gian ngắn, thậm chí vài giờ có thể giúp tránh leo thang xung đột. Những quyết định lớn như chia tay hay trả đũa không nên vội vàng đưa ra trong lúc cảm xúc đang hỗn loạn.
Sau đó, điều quan trọng là thiết lập không gian cho những cuộc trò chuyện trung thực và thẳng thắn. Cả hai cần sẵn sàng chia sẻ nhu cầu và cảm xúc bị dồn nén.
Các chuyên gia khuyến nghị nên có sự hỗ trợ từ bên ngoài như người thân, bạn bè tin cậy, hoặc chuyên gia trị liệu. Vợ chồng anh Tan đã làm điều đó khi tìm đến chuyên gia tư vấn hôn nhân.
Bà Lieu nhấn mạnh: “Một nhà trị liệu được đào tạo có thể giúp cấu trúc lại cách trao đổi, đặc biệt khi hai người dễ căng thẳng”.
Quá trình tái thiết lòng tin đòi hỏi sự cam kết từ cả hai phía, từ việc đặt lại ranh giới rõ ràng đến chia sẻ những giá trị chung. Người từng ngoại tình có thể chủ động chia sẻ quyền truy cập thiết bị cá nhân như điện thoại, mạng xã hội và tuyệt đối trung thực.
Anh Tan sau khi kết thúc mối quan hệ ngoài luồng đã thay đổi thói quen như: giới hạn số lần uống rượu, chủ động thông báo lịch trình và mỗi ngày đều dành thời gian kiểm tra cảm xúc của vợ. Điều đó giúp họ thiết lập một không gian chia sẻ thường xuyên, an toàn và cởi mở.
“Chữa lành bền vững không phải là quay lại như trước kia mà là cùng nhau xây dựng một ‘bình thường mới’ với ranh giới rõ ràng hơn, giao tiếp sâu sắc hơn và sự trung thực cảm xúc mạnh mẽ hơn”, bà Lieu nói.
Giờ đây, hơn một năm sau khi cùng nhau quyết định hàn gắn, vợ chồng anh Tan tin rằng mối quan hệ của họ đã trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.
Chị Tan chia sẻ: “Trước đây, dù ở bên gia đình, anh ấy vẫn mải nhìn điện thoại, tâm trí không thực sự ở đó. Giờ thì khác, anh ấy gác điện thoại, chơi với con, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt tôi làm”.
Còn anh Tan đúc kết: “Sau tất cả, tôi nhận ra không điều gì quan trọng bằng gia đình. Không phải công việc, không phải tiền bạc, điều quan trọng nhất là chúng tôi còn ở bên nhau”.
URL: https://vietpress.vn/sau-ngoai-tinh-lieu-mot-moi-quan-he-co-the-cuu-van-d97970.html
© vietpress.vn