hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Nhiếp ảnh gia gốc Việt cho biết ông không quan tâm đến những tuyên bố của World Press Photo và không có gì lo lắng vì Hãng AP, tổ chức Pulitzer Prize vẫn tin tưởng, ủng hộ ông.
Từ Mỹ, nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) chia sẻ, ông vừa từ Việt Nam trở lại California hơn 1 tuần trước, khi ở Hà Nội ông đã có một tour du lịch cùng bạn bè nên bị cảm nặng tới nay vẫn chưa hết. Tuy sức khỏe kém và phải đối diện với việc World Press Photo tạm dừng công nhận Nick Út là tác giả của “Em bé Napalm” sau hơn 50 năm được vinh danh, nhưng ông luôn lạc quan và vui vẻ. “Tôi không có gì phải lo hết. Tôi được sự bảo vệ của hãng AP và luật sư của tôi” - ông tuyên bố.
Trước câu hỏi: Lý do vì sao anh không lên tiếng trước quyết định của tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới (World Press Photo)? Anh có e ngại mọi người sẽ cho rằng sự không phản kháng của anh là thừa nhận mình không phải tác giả bức ảnh hay không?, Nick Út cho biết: “Tôi để luật sư và hãng AP trả lời”. Ông cũng tiếp tục khẳng định vụ việc xảy ra là do mâu thuẫn giữa ông và Gary Night. Knight chính là người sản xuất và đóng vai chính trong The Stringer - bộ phim đặt câu hỏi về tác quyền bức ảnh “Em bé Napalm”.
“Phim “Stringer” của Gary Night. Ông này cũng từng chủ trì một số cuộc thi của World Press Photo - tổ chức đình chỉ quyền tác giả của tôi. Tôi thấy đây là chuyện lợi dụng uy tín một tổ chức để làm chuyện cá nhân. Bức ảnh “Em bé Napalm” là bản quyền của Hãng AP. Bản thân tôi cũng chẳng để ý đến giải World Press. Quan trọng là Pulitzer Prize vẫn ủng hộ tôi” – Nick Út chia sẻ.
Bức ảnh “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” (The Terror of War), thường được biết đến với tên gọi “Em bé Napalm”, là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhất về sự tàn khốc của chiến tranh. Tác phẩm này đã xuất sắc giành giải thưởng Pulitzer và World Press Photo của năm vào năm 1973. Từ đó đến nay, quyền tác giả luôn được công nhận thuộc về nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) của hãng tin Associated Press (AP).
Tuy nhiên, đầu tháng 1/2025, một bộ phim tài liệu mang tên “The Stringer” đã gây xôn xao khi tuyên bố Nick Ut không phải người chụp bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” mà là một nhiếp ảnh gia khác mang tên Nguyễn Thành Nghệ.
Trước thông tin này, tổ chức World Press Photo đã tổ chức cuộc điều tra từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2025 để xem xét lại toàn bộ bằng chứng và làm rõ nghi vấn về quyền tác giả. Theo tổ chức này thông báo, phân tích từ báo cáo điều tra cho thấy, dựa trên các yếu tố kỹ thuật như vị trí đứng của nhiếp ảnh gia tại thời điểm bấm máy, khoảng cách tới chủ thể bức ảnh và loại máy ảnh được sử dụng vào ngày hôm đó, có khả năng nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ đã ở vị trí thuận lợi hơn để ghi lại khoảnh khắc bi thương đó, thay vì Nick Út. Dựa trên cuộc điều tra này, tổ chức World Press Photo đã đưa ra quyết định tạm dừng việc công nhận quyền tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” là nhiếp ảnh gia Nick Út.
Ngay sau đó, hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới đã đăng tải những thông tin trên trang cá nhân để bênh vực Nick Út.
Nhiếp ảnh gia David Hume Kennerly viết: World Press Photo không thể chắc chắn rằng ông ấy có chụp hay không, nhưng điều đó không ngăn cản họ đóng vai chúa tể thế giới ảnh bằng cách cố gắng hủy hoại danh tiếng của Nick. Ngay cả trong bóng đá, bạn cũng cần bằng chứng rõ ràng để bác bỏ một quyết định trên sân. Bằng chứng đó không có ở đây.
David Hume Kennerly cũng đặt câu hỏi về khả năng của Nguyễn Thành Nghệ khi ông Nghệ "chưa bao giờ bán hoặc công bố bất cứ tác phẩm nào ngoài bức ảnh đang gây tranh cãi. Trong khi đó, ngoài Nghệ, không ai đặt câu hỏi về quyền tác giả của Út đối với bức ảnh và Nghệ bỗng dưng đã xuất hiện một cách kỳ diệu sau nhiều thập kỷ trôi qua".
David Burnett, một nhiếp ảnh gia cũng từng nhận giải của World Press Photo cho biết đã được World Press Photo liên hệ vào ngày 15//1/2025 để thông báo về việc cần tìm hiểu về tác giả thực sự của Em bé Napalm.
Là người có mặt tại Trảng Bàng khi vụ đánh bom napalm diễn ra, Burnett đã khẳng định vai trò của Nick Út: Ký ức của tôi rất rõ ràng, tôi vẫn còn lưu lại nhiều khía cạnh không thể phai mờ trong thời gian tôi ở Việt Nam, vào ngày có nhiều sự kiện quan trọng... Khi nhìn thấy rõ một nhóm người dân chạy khỏi trung tâm làng, hướng về con đường mà đoàn báo chí đang đứng một cách lộn xộn, Nick Út và phóng viên của Newsweek Alex Shimkin, những người đang đứng cạnh tôi, bắt đầu chạy xuống đường về phía những đứa trẻ đang lao tới. Trong vài khoảnh khắc tiếp theo khi những đứa trẻ đến gần, Nick Út đã chụp bức ảnh đó. Theo ký ức của tôi, không ai khác ở gần để chụp bức ảnh đó.
Sau đó, tại văn phòng của AP, tôi đã nhờ đội ngũ phòng tối của AP xử lý, biên tập và in phim của mình, để gửi ảnh cho tờ New York Times. Trong những phút chờ đợi bản in được hoàn thành, người đứng đầu phòng tối của AP bước ra với bản in cỡ 5x7 đầu tiên về tấm ảnh sau này được gọi là "Nỗi kinh hoàng của chiến tranh". Chưa có lúc nào tôi nghi ngờ về việc Nick không chụp bức ảnh đó”.
Trong diễn biến liên quan, hồi đầu năm nay, hãng tin AP cũng đã công bố kết quả cuộc điều tra riêng dài 23 trang, diễn ra trong 6 tháng, xác định ông Út "có khả năng đã chụp ảnh". Hãng cho biết "không tìm thấy bằng chứng xác đáng cho thấy người khác chụp", nên không thay đổi tác quyền bức ảnh. Theo điều tra của AP, ông Nghệ là người duy nhất cho rằng ông Út không chụp bức ảnh trong số 10 người có mặt ở hiện trường hôm đó.
Về phía Nick Út, nhiếp ảnh gia sinh năm 1951 bác bỏ hoàn toàn thông tin rằng tác giả bức ảnh là một tài xế của NBC News (ông Nghệ) vào thời điểm đó. Ông giải thích rằng lúc bấy giờ, ông có tài xế và xe riêng, chính chiếc xe đó đã được ông dùng để đưa cô bé Kim Phúc, nhân vật trung tâm trong bức ảnh, đi cấp cứu.
Ông Nick Út cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về thời điểm nghi vấn này được đưa ra. Bức ảnh đã nổi tiếng và được công nhận quyền tác giả của ông Út gần 53 năm qua. Ông đặt câu hỏi vì sao những người đưa ra tuyên bố mới không hỏi ông trực tiếp trước đây, đặc biệt khi ông từng nhiều lần gặp gỡ những người tự nhận đã chụp bức ảnh này ở cả Việt Nam và Mỹ. Ông cũng chỉ ra rằng hầu hết các nhân chứng là nhà báo cùng thời với ông nay đều đã qua đời hoặc ở độ tuổi 80-90, không còn đủ sức khỏe và minh mẫn để làm chứng.
Nhiếp ảnh gia Nick Út nghi ngờ rằng mục đích đằng sau việc đưa ra những nghi vấn này là để tạo scandal và tìm kiếm sự nổi tiếng. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự tự tin và không hề cảm thấy sợ hãi hay phiền muộn. Ông cho biết cô Kim Phúc, người đã trở thành biểu tượng trong bức ảnh, cùng với bạn bè ông trên khắp thế giới đều đứng về phía ông và bảo vệ quyền tác giả của ông.
© vietpress.vn