hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Các phiên chợ đặc biệt này chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào dịp Tết, người bán và người mua thường không mặc cả, không quan trọng đắt rẻ mà chỉ mong lấy lộc đầu năm.
Chợ Viềng (Nam Định)
Phiên chợ đặc biệt này, chỉ họp một lần duy nhất vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch tại huyện Nam Trực và Vụ Bản. Đây là phiên chợ có từ lâu đời, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm về đây để mua may, bán rủi.
Năm nay, chợ Viềng Xuân 2025 được tổ chức vào ngày 14-15/2/2025 dương lịch. Đặc biệt, ban tổ chức đã đưa vào nhiều đổi mới để phù hợp với thời đại. Lần đầu tiên, một số gian hàng tại chợ áp dụng thanh toán không tiền mặt qua mã QR và ví điện tử, giúp khách hàng tiện lợi hơn khi mua sắm. Không gian chợ cũng được quy hoạch rõ ràng, phân khu hợp lý với các gian hàng nông cụ, cây cảnh, đồ thủ công mỹ nghệ và ẩm thực.
Tại chợ Viềng, nhiều loại mặt hàng được bày bán, từ cây cảnh, cây giống, đến thịt trâu, thịt bò hay các vật dụng sản xuất của nhà nông như cái cày, cái cuốc, thúng mủng, quang gánh... nhưng nhiều nhất là đồ cũ (người ta có thể mang tới chợ bất cứ vật dụng gì trong nhà đã qua sử dụng, bất kể còn nguyên vẹn hay sứt vỡ, từ quý giá như đồ thờ cúng cho tới đồ thông thường như bát đĩa, nồi mâm, bình vôi, bát điếu…).
Đến chợ Viềng, cả người bán lẫn người mua khi đi chợ đều không đặt nặng vấn đề mua bán, lời lãi, họ đi chợ để cầu may, với mong muốn bước sang một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt.
Chợ Gò (Bình Định)
Chợ Gò ở Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) là phiên chợ độc nhất tỉnh Bình Định họp duy nhất vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán nên việc mua bán ở đây không đặt nặng lời, lỗ, chỉ là dịp để người dân trao đổi tài lộc, may mắn đầu năm.
Người đi chợ ngoài mua vài thứ thức ăn tươi sống như tôm, cá... ai cũng mua vài quả cau, lá trầu để lấy lộc đầu năm. Sản phẩm đem đến chợ Gò bán chủ yếu là những mặt hàng do người dân địa phương tự nuôi trồng được.
Năm 2011, chợ Gò được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào hạng "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam".
Chợ Đình Cả (Hải Dương)
Chợ Đình Cả (thuộc xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) chỉ họp một năm duy nhất một lần vào sáng mùng 2 Tết.
Người đến chợ du xuân đều muốn mua ít nhất một món đồ nhỏ. Khi mua các mặt hàng thì người bán - người mua không mặc cả giá bao giờ mà tự ngầm quy định giá thành với ước vọng mua sự may mắn cho một năm thịnh vượng.
Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống dân sinh, phiên chợ còn bán muối, hải sản... và trầu cau để những bạn trẻ có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới.
Phiên chợ đặc biệt gắn liền với sự tích Đình Cả và sự tồn tại của làng Bói. Mặc dù, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và sự đổi thay của làng quê, nhưng phiên chợ duy nhất hàng năm này vẫn được duy trì và ngày càng mở rộng.
Phiên chợ Âm Dương "ma mị" xứ Kinh Bắc
Chợ Âm Dương tại làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. Mặt hàng được mua bán nhiều nhất trong chợ là gà đen và các đồ vật tế lễ.
Chợ không thắp đèn, người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm lại tiền người mua trả, không cười nói ồn ào sợ làm ảnh hưởng đến những linh hồn đã khuất. Ngay ở cổng chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm dương...
Mặt hàng đặc biệt của phiên chợ đêm Âm Dương là gà đen. Mua gà đen theo quan niệm xưa là để dùng làm vật tế lễ xua vận đen, tà khí. Gà đen tại chợ phải được bán hết trong đêm trước khi trời sáng, hy vọng một năm mới sáng sủa.
Phiên chợ Âm Dương còn mang ý nghĩa tâm linh, tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau, trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của người dân Kinh Bắc.
Chợ Đình Bích La (Quảng Trị)
Chợ Đình Bích La (tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) mở từ tối mùng 2 Tết Nguyên đán, thường tập trung rất đông người đến tham dự. Phiên chợ sẽ kéo dài đến sáng mùng 3 Tết.
Chợ Đình Bích La bán những sản vật do chính người dân nơi đây làm ra. Ai đến chợ cũng cố gắng mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn.
Nét độc đáo của phiên chợ này là người bán không bao giờ nói thách nên người mua cũng không bao giờ trả giá. Người đến tham gia phiên chợ để gặp gỡ đầu năm, tìm về nguồn cội tổ tiên, dân tộc trong không khí lễ hội, trong tình cảm chân tình, thân thiện và cùng cầu mong cho một năm mới an lành, thành đạt.
Ngoài ra, trong phiên chợ còn có các ông đồ khăn áo chỉnh tề ngồi mài mực cho chữ. Người dân tới xin chữ đầu năm, ông đồ chỉ cho không bán. Đáp lại tình cảm đó, du khách có thể tặng cho người viết thư pháp bằng những bao mừng tuổi.
Chợ Gia Lạc (Thừa Thiên - Huế)
Chợ Gia Lạc, còn gọi là phiên chợ Hoàng gia, có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Chợ chỉ họp mỗi năm một phiên vào ba ngày Tết tại xã Phú Thượng (H.Phú Vang, Thừa Thiên Huế), cách trung tâm TP Huế chừng 3 km.
Hàng hóa mua trong chợ phong phú. Ai có gì bán nấy. Từ chén bát, áo quần đến đồ chơi trẻ em, thức ăn thức uống. Song, thứ hàng quan trọng nhất của chợ là cau trầu. Người Huế có tục mua cau trầu đầu năm để lấy “mì xưa” với hy vọng một năm thuận lợi.
Đầu xuân, đi chợ Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế. Họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm. Khi đi chợ, người ta không nói từ “mua, bán” mà thay vào bằng từ “biếu, tặng”.
© vietpress.vn