hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - EU đang đi đến hồi kết đầy kịch tính trước hạn chót 9/7. Trong khi EU kiên quyết không nhượng bộ ở các lĩnh vực cốt lõi, Washington lại tỏ ra cứng rắn và khó đoán.
Khi đồng hồ đang đếm ngược đến "tối hậu thư" ngày 9/7, cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Một bên là Washington với những yêu cầu được cho là vượt quá giới hạn, một bên là EU với lập trường ngày càng cứng rắn và sẵn sàng cho mọi kịch bản kể cả đổ vỡ. Liệu một thỏa thuận có thể đạt được, hay đây chỉ là một màn kịch được dựng lên bởi chính quyền Tổng thống Trump?
Các cuộc hội đàm cấp cao giữa Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič và các quan chức hàng đầu của Mỹ đã diễn ra liên tục tại Washington. Dù có những tín hiệu về "tiến triển trong việc đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc", đặc biệt là về các điều khoản miễn trừ thuế quan cho linh kiện máy bay và rượu mạnh, nhưng những khác biệt cốt lõi vẫn còn đó.
Nhìn chung, khả năng Mỹ và EU đạt được một thỏa thuận toàn diện trước ngày 9 tháng 7 là rất mong manh, kết quả khả dĩ nhất có lẽ là hai bên cuối cùng sẽ đạt được một sự thỏa hiệp có giới hạn. Phía Mỹ gần đây cho biết, họ hy vọng thỏa thuận giai đoạn một sẽ tương tự như thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh. Các nhà ngoại giao EU am hiểu về tình hình đàm phán lại tiết lộ rằng, EU hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc với Mỹ trước thời hạn chót. Nếu ngay cả thỏa thuận về nguyên tắc cũng không thể đạt được, EU có xu hướng tìm kiếm sự gia hạn từ phía Mỹ đối với việc tạm hoãn áp thuế, để có thể đàm phán thêm.
EU đã vạch ra một lằn ranh đỏ rõ ràng, họ sẽ không đưa các vấn đề liên quan đến quyền tự chủ về quy định và thuế vào bàn đàm phán. Các yêu cầu của Mỹ về việc EU phải thay đổi chính sách thuế dịch vụ kỹ thuật số, nới lỏng các quy định về thị trường số hay hạ thấp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đều bị bác bỏ.
Đối với EU, các đạo luật như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) không chỉ là quy định mà còn là công cụ chiến lược để kiềm chế sự thống trị của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Do đó, việc nhượng bộ ở những lĩnh vực này là điều không thể. Tuy nhiên, EU dường như sẵn sàng có những nhượng bộ kỹ thuật ở các lĩnh vực khác, như tăng cường nhập khẩu nông sản và khí đốt của Mỹ, để đổi lấy sự miễn trừ thuế quan cho các sản phẩm công nghiệp của mình.
Sự bế tắc của các cuộc đàm phán phần lớn đến từ lập trường của Mỹ, vốn luôn ám ảnh về việc giải quyết thâm hụt thương mại hàng hóa với EU, bất chấp việc Mỹ đang có thặng dư lớn trong thương mại dịch vụ. Tổng thống Trump đã liên tục đe dọa sẽ áp mức thuế lên tới 50% lên hàng hóa EU nếu không có đột phá.
Đối mặt với áp lực khổng lồ này, EU đang cố gắng thể hiện một mặt trận thống nhất. Các nhà lãnh đạo từ cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đều đã lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết và sẵn sàng cho các biện pháp trả đũa. EU đã chuẩn bị sẵn các gói thuế quan trả đũa trị giá hàng chục tỷ euro, nhắm vào các sản phẩm của Mỹ, dù việc thực thi đang được tạm hoãn để có thêm thời gian cho ngoại giao.
Hiện tại trong nội bộ EU, các quốc gia thành viên chính là Đức và Ý mong muốn nhanh chóng đạt được một thỏa thuận kỹ thuật với Mỹ, nhưng Pháp lại nhiều lần thể hiện lập trường cứng rắn, nói rằng họ muốn có một thỏa thuận, nhưng sẽ không chấp nhận các điều khoản bất bình đẳng. Ông Xin Hua, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu EU tại Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải cho rằng, do sự chia rẽ lớn trong nội bộ EU, ban lãnh đạo đã lâu không đi đến quyết định, ở một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả và năng lực đàm phán với Mỹ. Ông Jian Junbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung - Âu tại Đại học Phúc Đán cho biết, ở cấp độ đàm phán thương mại, Ủy ban châu Âu là chủ thể đàm phán, có quyền năng độc quyền vượt trên các thành viên thông thường, do đó, sự chia rẽ của các thành viên không ảnh hưởng lớn đến kết quả đàm phán như người ta tưởng.
Câu hỏi lớn nhất lúc này là liệu ngày 9/7 có phải là một hạn chót thực sự hay không. Phía Mỹ đang đưa ra những tín hiệu trái ngược. Trong khi các nhà đàm phán đang làm việc, Tổng thống Trump lại tuyên bố đã bắt đầu gửi thư thông báo đơn phương về các mức thuế mới cho các đối tác thương mại với các mức thuế suất có thể dao động từ 10% đến 70%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán của ông Trump. "Tối hậu thư" có thể không phải là một điểm kết thúc, mà chỉ là một nút thắt hết vòng này đến vòng khác, lặp đi lặp lại trong một vở kịch được dàn dựng công phu nhằm tối đa hóa lợi ích cho nước Mỹ. Theo ông Jian Junbo, mâu thuẫn giữa Mỹ và EU lớn hơn so với mâu thuẫn giữa Mỹ và Anh, có sự khác biệt lớn về thương mại nông sản và các tiêu chuẩn công nghiệp. Nhưng ngày 9/7 đang đến gần, do cái giá của việc đàm phán thất bại lớn hơn và hậu quả khó có thể chịu đựng, khả năng EU sẽ có một sự thỏa hiệp kỹ thuật vào phút chót, dựa trên khuôn mẫu của thỏa thuận Mỹ - Anh, vẫn là một kịch bản có thể xảy ra.
URL: https://vietpress.vn/my--eu-toi-hau-thu-9-7-va-van-co-thue-quan-cua-tong-thong-trump-d97989.html
© vietpress.vn