hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Với những người dùng chưa có tài chính dư dả, mua ô tô cũ đã qua sử dụng là phương án hợp lý. Tuy nhiên, để chọn được một chiếc xe cũ có chất lượng tốt với giá thành hợp lý, người mua cần có kinh nghiệm kiểm tra xe.
Thị trường xe cũ tại Việt Nam đang ngày càng sôi động khi người tiêu dùng tìm kiếm những chiếc xe giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để chọn được một chiếc xe đáng đồng tiền bát gạo.
Dạo quanh một vòng ở những con phố chuyên mua bán xe ô tô lướt ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Trương Công Giai, Trần Vũ, Nguyễn Văn Cừ..., người mua có thể dễ dàng tìm kiếm cho bản thân một mẫu xe phù hợp với nhu cầu và sở thích, từ xe sang tới xe tầm trung, thậm chí kể cả xe "che nắng che mưa" (giá rẻ từ 100-200 triệu đồng).
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế về giá, việc mua xe đã qua sử dụng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với việc mua ô tô mới. Bởi nếu không hiểu biết và "sành" về xe, người mua có thể bị showroom hay chủ xe cũ "qua mặt". Chính vì vậy, để tránh lâm vào cảnh "tiền mất tật mang, khi quyết định chọn mua xe cũ, người mua cần kiểm tra thật kỹ chiếc xe, từ giấy tờ pháp lý, các chi tiết nội thất, ngoại thất và cả động cơ.
Trong bài viết này, anh Nguyễn Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội), một người có gần 20 năm kinh nghiệm mua bán xe đã qua sử dụng sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm một chiếc xe cũ còn tốt và giá thành hợp lý.
Kiểm tra giấy tờ mua bán, nguồn gốc pháp lý của xe
Trước khi xem xe, anh Kiên khuyên người mua nên yêu cầu chủ xe cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý về chiếc xe.
“Người mua cần có cam kết bằng văn bản của người bán về giấy tờ hợp pháp, xe không cầm cố, vay nợ hay có tranh chấp gì dân sự gì khác. Trường hợp cửa hàng không cam kết về pháp lý thì cần cân nhắc việc mua xe hay không bởi rất có thể xe đang trong diện tranh chấp hoặc giấy tờ xe có vấn đề” - anh Kiên lưu ý.
Trong trường hợp chiếc xe được dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng, cần lấy giấy tờ gốc và tới ngân hàng kiểm tra xem xe đó còn trong diện tranh chấp giữa hai bên hay không. Nếu xe đã hết thế chấp tại ngân hàng thì phải có biên bản giải chấp. Nếu xe bán là tài sản của vợ chồng thì cần có văn bản thỏa thuận của cả hai hoặc văn bản công chứng có chữ kí "tươi" của cả vợ và chồng.
Trường hợp xe còn trong diện tranh chấp như thừa kế, hai vợ chồng ly hôn chưa phân định tài sản thì không nên mua. Nếu xe mua của người đã ly dị, cần có giấy xác nhận độc thân hoặc giấy khước từ tài sản của vợ hoặc chồng.
Bên cạnh đó, người mua cũng cần kiểm tra trên hệ thống điện tử Cục Đăng kiểm hay Cục Cảnh sát giao thông để chắc chắn xe đó không gặp vấn đề liên quan đến pháp luật.
Kiểm tra ngoại thất
Khi đến xem xe trực tiếp, người mua nên bắt đầu từ việc quan sát tổng thể ngoại thất dưới ánh sáng tự nhiên. Nếu một khu vực có màu sắc khác với màu của những chỗ còn lại thì đó là dấu hiệu cho thấy chiếc xe đã bị va quệt và qua xử lý sơn dặm.
Một mẹo nhỏ anh Kiên tiết lộ là kiểm tra các khe hở giữa các tấm thân xe. Nếu khe hở không đều, hoặc một bên rộng hơn bên kia, rất có thể xe đã bị va chạm mạnh và được sửa lại. Xe nguyên bản thường có các khe hở đồng đều, khoảng 3-5 mm tùy hãng.
Bên cạnh đó, còn cần kiểm tra kỹ phần “keo chỉ”. Keo chỉ là đường keo ở mép cuối của phần kim loại, có ở cánh cửa, nắp ca-pô, cốp đuôi xe. Bất kể xe nào, khi bị đâm đụng mạnh, ví dụ như đâm từ đằng trước, phần keo chỉ trên nắp ca-pô sẽ chịu tác động mạnh. Lúc đó, nắp ca-pô bị cong, khi sửa chữa cần phải nắn thẳng lại. Như vậy, phần keo chỉ nguyên bản sẽ không còn nữa mà phải làm lại, khi đó sẽ để lại dấu vết.
Kiểm tra nội thất
Để kiểm tra nội thất xe cũ, cần quan sát tỉ mỉ từng chi tiết trong xe bao gồm: cần số, tay mở cửa, ghế, lớp da bọc nội thất xe… xem có bị bạc màu hay không? Nếu xuất hiện tình trạng bạc màu trên các chi tiết nội thất kể trên chứng tỏ chiếc xe được chủ cũ sử dụng thường xuyên.
Thực hiện các thao tác với nút bấm bên trong xe, điều khiển điều hoà, cần gạt, điều chỉnh cửa lên xuống, hệ thống đèn…Đánh giá việc xem các tính năng có hoạt động tốt không? Điều hoà có đủ độ mát hay không? Các nút điều khiển trên xe có gặp phải vấn đề nào không? Nếu các chức năng điều khiển bên trong xe gặp vấn đề thì giá trị xe cũng sẽ theo đó giảm xuống.
Người mua cũng cần để ý đến các chi tiết nhựa như phần trên của tappi cửa, tấm nhựa che bảng đồng hồ, vùng nhựa ngay dưới chân kính chắn gió. Đây là những khu vực hứng nắng thường xuyên, nếu xe đã cũ hoặc liên tục bị phơi nắng thì các vùng này nhiều khả năng bị bạc màu. Ngược lại, một chiếc xe được chăm sóc kỹ hoặc, không phơi mưa nắng chất lượng bề mặt sẽ còn tốt.
Bên cạnh đó, người mua cũng cần chú ý những mẫu xe mới đi được 2-3 năm nhưng đã bọc lại ghế và thảm. Ghế và thảm nội thất khi ngập nước rất khó để khôi phục lại như nguyên bản, chính vì thế giải pháp nhanh chóng và thuận tiện nhất để khắc phục là bọc lại ghế và thay thảm. Khi mua, cần hỏi kỹ người bán lý do thay những chi tiết này, và kiểm tra kỹ hơn để đảm bảo xe không bị ngập nước trước đó.
Kiểm tra khoang máy
Sau khi quan sát bên ngoài xe và nội thất bên trong, tiến hành mở khoang máy của xe. Bộ phận này chủ yếu là quan sát két nước ô tô, dầu máy và đánh giá tình trạng nguyên bản của động cơ. Quan sát két nước có đủ nước làm mát hay không? Két nước có xuất hiện các vết bám trong bình hay không? Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ chủ xe quan tâm đến bảo dưỡng xe ra sao. Nếu két nước thiếu nước thường xuyên, khiến động cơ của xe không được làm mát hiệu quả sẽ ảnh hưởng tới động cơ.
Tương tự như vậy, khi mua xe ô tô cũ nên kiểm tra dầu xe. Thứ nhất là xem lượng dầu trong xe có đủ không và thứ hai là độ sạch và độ nhớt của dầu. Xe đủ dầu và được thay dầu thường xuyên mới đảm bảo bộ phận động cơ xe hoạt động tốt và ổn định.
Những con ốc vít trong khoang máy cũng là bằng chứng cho việc khoang máy của xe đã bị thợ tháo ra để sửa chữa hoặc thay thế. Những con ốc còn zin thì lớp sơn trên ốc không bị mất hoặc trầy xước, còn nếu đã dùng cờ lê để tháo thì lớp sơn này đã bị tác động. Quan sát kỹ càng để phát hiện nếu có bộ phận nào trong khoang máy trông có vẻ mới hơn chứng tỏ đã được thay thế.
Chạy thử xe
Việc chạy thử xe giúp đánh giá tình trạng của xe về khả năng khởi động, tình trạng phanh, trợ lực lái, khả năng tăng tốc và độ trơn tru khi vào số của xe. Các trường hợp có thể gặp phải khi chạy xe cần lưu ý như: khởi động kém, đánh lái nặng, phanh không ăn, tăng tốc chậm, khói xe có màu bất thường (khói đen hoặc khói trắng), khi vào số có tiếng kêu bất thường…
Tất cả dấu hiệu trên đều cần được chú ý, để đánh giá tốt nhất tình trạng của xe. Những lỗi về động cơ như khả năng tăng tốc, khả năng khởi động và màu khói xe…có thể là dấu hiệu của việc động cơ xe đã xuống cấp và người mua cần cân nhắc khi lựa chọn xe.
Định giá ô tô cũ
Theo anh Hùng, xe cũ không chỉ là phương tiện tiết kiệm chi phí mà còn là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn sở hữu mẫu xe mơ ước với mức giá hợp lý. “Một chiếc xe mới mất giá 20-30% ngay khi lăn bánh khỏi showroom. Với xe cũ, bạn có thể mua được xe tốt mà không phải chịu khoản khấu hao lớn như vậy,” anh nói.
Để định giá ô tô đã qua sử dụng, công thức định giá phổ biến là: Giá xe cũ = Giá lăn bánh - Mức khấu hao +/- Các yếu tố ảnh hưởng.
Trong đó, mức khấu hao được tính theo công thức: Giá lăn bánh × số năm sử dụng × 7%. Mức khấu hao 7 - 10% áp dụng cho xe phổ thông, trong khi các dòng xe sang có mức khấu hao cao hơn. Xe càng đắt, tỷ lệ khấu hao càng lớn; xe càng bền, tỷ lệ khấu hao càng thấp.
Theo anh Kiên, các yếu tố ảnh hưởng đến giá xe cũ gồm khả năng thanh khoản, nguồn cung, tình trạng tai nạn và đối tượng mua xe.
Ví dụ, Mazda CX-5 2.0 2017 có giá lăn bánh khoảng 1 tỷ đồng. Sau 8 năm sử dụng, giá trị còn lại được tính như sau: 1.000.000.000 - (1.000.000.000 × 8 × 7%) = 440.000.000 đồng.
URL: https://vietpress.vn/mua-o-to-cu-can-kiem-tra-nhung-gi-d94279.html
© vietpress.vn