hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Không gian mạng đã trở thành không gian sống mới của mọi người. Do đó, việc giữ vững chủ quyền trên không gian mạng không chỉ đơn thuần là bảo vệ không gian số, mà còn là bảo vệ nền tảng của xã hội.
Kiểm soát tốt truyền thông xã hội, phải có cơ chế quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT, cho rằng quản lý truyền thông xã hội và thông tin trên mạng là một nhiệm vụ thách thức và mới mẻ, đòi hỏi sự tâm huyết và nỗ lực sáng tạo không ngừng từ tất cả các cấp.
Qua quá trình triển khai thực hiện những năm qua, Cục PTTH&TTĐT đã rút ra những nhận thức sâu sắc.
Thứ nhất, không gian mạng đã trở thành không gian sống mới của mọi người. Do đó, việc giữ vững chủ quyền trên không gian mạng không chỉ đơn thuần là bảo vệ không gian số, mà còn là bảo vệ chế độ, bảo vệ nền tảng của xã hội, vì không gian mạng là nơi mọi lĩnh vực của đời sống thực tế đều đang dần chuyển dịch sang.
Thứ hai, quản lý không gian mạng, đặc biệt là quản lý truyền thông xã hội, không thể chỉ là trách nhiệm của một số cơ quan chủ chốt như trước đây. Đây phải là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống.
Ngoài ra, các nền tảng xuyên biên giới chính là nơi phát tán nhiều nhất thông tin xấu, độc, lan truyền tin giả, tạo nên những luồng dư luận gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Vì vậy, để quản lý tốt thông tin trên mạng và truyền thông xã hội, bắt buộc phải có cơ chế quản lý hiệu quả đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Từ các tiền đề đó, Cục PTTH&TTĐT đã nghiên cứu và đề xuất một số cách làm mới. “Chúng tôi áp dụng nguyên tắc kết hợp giữa 'xây và chống', với mục tiêu không chỉ xây dựng hệ thống vững chắc mà còn kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Như đã đề cập, cần phải cùng nhau xây dựng và cùng nhau xử lý thì mới đạt hiệu quả bền vững”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Cụ thể, đó là việc xây dựng quy định, xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận và chống những thông tin xấu, độc, kiểm soát chặt chẽ truyền thông xã hội trên không gian mạng.
Trước năm 2016, việc quản lý truyền thông xã hội, đặc biệt trên các nền tảng xuyên biên giới, còn thiếu các cơ sở pháp lý rõ ràng. Chỉ từ năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT đã đặt nền móng quản lý thông tin qua biên giới. Tiếp theo đó, năm 2024, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP được hoàn thiện với nhiều quy định mới, nâng cao năng lực quản lý thông tin trên mạng.
Hơn nữa, trong giai đoạn từ 2016 - 2024, nhận thức của toàn hệ thống chính trị đã thay đổi đáng kể, tạo điều kiện để các bộ, ngành liên quan xây dựng và bổ sung các quy định đồng bộ hơn, góp phần quản lý hiệu quả không gian mạng. Chẳng hạn như Luật Điện ảnh quản lý nội dung phát hành trên không gian mạng; Luật Thuế sửa đổi tăng cường thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới; hay Luật Quảng cáo đã bổ sung các quy định quản lý quảng cáo trên mạng và các nền tảng quốc tế. Những quy định này không chỉ hỗ trợ quản lý không gian mạng mà còn tạo điều kiện để các ngành khác như thương mại điện tử hoạt động hiệu quả hơn.
“Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các luật và quy định, chúng ta từng bước xây dựng một cơ chế quản lý thông tin trên không gian mạng mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng phức tạp của thực tế”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cũng nhấn mạnh việc xây dựng quy định pháp luật thường mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, không gian mạng với đặc điểm phát triển liên tục và nhanh chóng khiến cho bất kỳ quy định nào cũng khó có thể hoàn chỉnh, “bởi vừa ban hành xong, những vấn đề mới có thể xuất hiện ngay sau đó”.
“Vậy, trong điều kiện các quy định pháp luật chưa hoàn thiện, liệu có nên bỏ trống trận địa?”, ông Lê Quang Tự Do đặt câu hỏi và cho biết “chúng tôi buộc phải tìm cách tiếp cận linh hoạt để quản lý hiệu quả không gian mạng”. Và sau một thời gian nghiên cứu và thực tiễn, “chúng tôi đã xây dựng được một phương pháp quản lý đồng bộ, dựa trên bốn biện pháp chính: Pháp lý, truyền thông, kinh tế và kỹ thuật”.
Cụ thể, biện pháp đầu tiên là đấu tranh pháp lý, yêu cầu các nền tảng tuân thủ các quy định pháp luật về nội dung, quảng cáo, dòng tiền và đóng thuế. Thứ hai, sử dụng công cụ truyền thông để tuyên truyền, vạch trần các hoạt động vi phạm pháp luật, qua đó tạo áp lực buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của Việt Nam.
Thứ ba là đấu tranh kinh tế, trong đó điển hình là không cho phép quảng cáo trên các nền tảng vi phạm pháp luật, điều này đã được thể chế hóa trong Nghị định 70 của Chính phủ. Cuối cùng, biện pháp then chốt mang tính quyết định là ngăn chặn hoạt động của các nền tảng vi phạm tại Việt Nam bằng các giải pháp kỹ thuật.
“Một bài học quan trọng mà chúng tôi rút ra là để đạt hiệu quả cao, cần phải triển khai đồng bộ cả bốn công cụ này. Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò quản lý báo chí, quảng cáo, nội dung thông tin, công nghệ số và hạ tầng viễn thông, đã thực hiện các giải pháp này một cách nhịp nhàng và hiệu quả”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Theo lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, các hành động trên đã mang lại kết quả tích cực. Trước năm 2017, các nền tảng xuyên biên giới gần như không hợp tác. Đến năm 2018, đã có những chuyển biến ban đầu, tuy nhiên, mức độ hợp tác chỉ khoảng 50% và chủ yếu là gỡ bỏ các đường dẫn (link) thay vì tài khoản hoặc trang kênh. Nhưng từ năm 2020 đến nay, nhờ áp dụng đồng bộ cả bốn biện pháp, kết quả đã có bước tiến vượt bậc.
Tỷ lệ gỡ bỏ nội dung vi phạm đạt trên 90%, và đến năm 2024 đã vượt mốc 93%. Số lượng đường dẫn và tài khoản bị gỡ bỏ tăng đột biến, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong mức độ hợp tác của các nền tảng.
Đặc biệt, năm 2024 là một năm có nhiều sự kiện phức tạp, trở thành cái cớ để các thế lực phản động, thù địch lợi dụng chống phá. Số lượng nội dung xấu, độc cần xử lý gia tăng đột biến, phản ánh mức độ khó khăn trong bối cảnh nhiều biến động.
“Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ, chúng tôi đã đạt được kỷ lục mới về số lượng nội dung vi phạm được xử lý, góp phần bảo vệ không gian mạng an toàn và lành mạnh hơn”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Việc quản lý không gian mạng ngày càng trở nên quan trọng khi các lĩnh vực đời sống chuyển dần lên môi trường trực tuyến. Bộ TT&TT đã củng cố lực lượng quản lý nội bộ, như Cục PTTH&TTĐT; thiết lập các Trung tâm xử lý tin giả và thông tin xấu độc (đã triển khai tại 20 tỉnh, thành); và Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia.
Các tỉnh, thành phố cũng thiết lập các đơn vị giám sát thông tin mạng, đồng thời phối hợp với các bộ ngành như Ban Tuyên giáo, Bộ Công an, và Bộ Quốc phòng.
Bộ TT&TT cũng đã xây dựng lực lượng truyền thông xã hội gồm các KOL, công ty quảng cáo, nhãn hàng, và nền tảng xuyên biên giới, không chỉ quản lý mà còn hợp tác triển khai các chiến dịch truyền thông. Năm 2023, Bộ tổ chức kết nối các đầu mối lớn như công ty quản lý KOL và quảng cáo để lan tỏa nội dung tích cực.
Đến năm 2024, các chiến dịch truyền thông cụ thể được triển khai, cùng các ngày hội tôn vinh nhà sáng tạo nội dung tích cực, khuyến khích sáng tạo nội dung lành mạnh.
Bộ cũng thúc đẩy "phủ xanh" không gian mạng, kết hợp báo chí và truyền thông xã hội để lan tỏa thông tin chính thống, tạo ra các xu hướng tích cực. Những nỗ lực này đã chứng minh hiệu quả, hướng đến mục tiêu xây dựng không gian mạng an toàn, tích cực và bền vững.
© vietpress.vn