hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Câu chuyện của Trần Dũng, dù hai lần thi đỗ đại học danh tiếng nhưng vẫn rẽ ngang, loay hoay giữa tấm bằng, đam mê và những va đập thực tế.
Ở Việt Nam, nhiều thế hệ đã lớn lên với quan niệm đại học là con đường bắt buộc để đạt thành công. Tấm bằng đại học như một “tấm vé thông hành” mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và ổn định trong cuộc sống. Nhưng trong kỷ nguyên số, khi thế giới thay đổi nhanh chóng, công nghệ và kỹ năng thực tế ngày càng được đặt lên hàng đầu, liệu “mác” đại học còn giữ vị thế?
Câu chuyện của Trần Dũng (sinh năm 2001, phường Thanh Xuân, Hà Nội) là một lát cắt tiêu biểu cho những băn khoăn ấy. Từng là học sinh giỏi khối A, Dũng đỗ vào trường công nghệ thông tin hàng đầu nhưng không theo học.
“Ban đầu mình chọn ngành Công nghệ thông tin vì đây là lĩnh vực hot và trường mình đỗ thuộc top đầu. Nhưng sau một học kỳ, mình nhận ra không phù hợp và bắt đầu thấy đam mê với lĩnh vực tài chính, nên quyết định thi lại đại học”, Dũng chia sẻ.
Sau khi thi lại, Trần Dũng đỗ vào một trường đại học hàng đầu về tài chính. Song song với việc học, cậu bắt đầu tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về đầu tư và tài chính cá nhân bên ngoài. Dần dần, sự hứng thú với kiến thức thực tiễn khiến Dũng sao nhãng việc học chính quy. Nhận thấy chương trình tại trường không còn tạo động lực, cậu quyết định bảo lưu để toàn tâm theo đuổi các khóa học bên ngoài hệ thống.
“Nhưng sau một thời gian, khi bạn bè ra trường và ổn định công việc, mình nhận ra để tiến xa hơn cần đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc hơn, trong khi thu nhập lại chưa đủ ổn định. Học ngoài không dễ, đam mê nếu thiếu định hướng và tài chính sẽ nhanh chóng dẫn đến bối rối”, Dũng nói.
Cuối cùng, Dũng quyết định quay lại trường học vì nhận ra ngành mình theo đuổi vẫn cần có bằng đại học để đi xa.
Ngoài câu chuyện của Dũng, trường hợp của Bùi Tuyên, sinh viên ngành Truyền thông tại một trường ở Hà Nội, cũng phản ánh nhiều thách thức khi học đại học hiện nay.
“Những năm đầu, mình rất đam mê và học tập chăm chỉ. Nhưng học được 3 năm, chương trình học lại trải rộng nhiều kiến thức chung mà không đi sâu vào chuyên ngành, khiến mình dần mất phương hướng. Để bù đắp kinh nghiệm thực tế, mình đi làm thêm ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, áp lực công việc cùng việc học đan xen khiến mình ngày càng mệt mỏi và không thể tập trung vào việc học”, Tuyên cho biết.
Hiện tại, Tuyên chấp nhận khoảng trống học vấn của mình và tập trung phát triển kỹ năng qua các trải nghiệm thực tế. Nhiều lúc, cậu tự hỏi liệu có nên quay lại trường hay không, nhưng giờ thì đây, cậu học cách chấp nhận và tìm kiếm giá trị từ con đường riêng của mình.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và yêu cầu về kỹ năng thực tế ngày càng cao, nhiều sinh viên hiện nay có xu hướng tìm kiếm các khóa học ngoài hệ thống đại học truyền thống để bổ sung kiến thức và kỹ năng.
Cô Thu Thảo, giáo viên tại một trung tâm luyện thi đại học ở Hà Nội, cho rằng tình trạng nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu định hướng rõ ràng và sự ổn định về tài chính. Cô nhấn mạnh, mặc dù đại học vẫn là nền tảng quan trọng, nhưng các bạn trẻ cần xây dựng kế hoạch học tập và phát triển kỹ năng rõ ràng, biết cách kết hợp kiến thức trong trường với thực tế xã hội. Đam mê là động lực lớn, nhưng nếu thiếu định hướng và trách nhiệm thì rất dễ bị lạc lối.
Theo cô Thảo, câu chuyện của các bạn sinh viên phản ánh một thực trạng rằng chương trình đại học hiện tại chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người học. Bên cạnh đó, áp lực học tập và cuộc sống cũng khiến sinh viên khó cân bằng, dẫn đến việc họ tìm đến các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc học tập bên ngoài như một giải pháp thay thế.
"Việc đổi mới chương trình đào tạo đại học là hết sức cần thiết. Các trường cần xây dựng chương trình sát thực hơn, giúp sinh viên vừa nắm vững kiến thức chuyên môn, vừa phát triển kỹ năng thực tế, đồng thời có cơ chế hỗ trợ sinh viên cân bằng giữa học tập và cuộc sống để giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng", cô Thảo nói.
Trong khi đó, PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích sâu hơn về nguyên nhân sinh viên bỏ học giữa chừng.
Theo vị chuyên gia, nhiều bạn trẻ chọn ngành học không phù hợp với năng lực và sở thích thật sự của bản thân, mà thay vào đó lại theo trào lưu hoặc lời khuyên thiếu căn cứ trên mạng xã hội. Một số chọn ngành học với mong muốn “nhàn”, “dễ kiếm việc” hay “có nhiều tiền” mà không xem xét xu hướng nghề nghiệp lâu dài, dẫn đến hoang mang và bỏ học khi nhận ra không phù hợp.
PGS. TS. Nam khuyên sinh viên cần xác định rõ nguyên nhân khi thấy không hợp ngành, từ đó có hướng giải quyết phù hợp như chuyển ngành, học song bằng hoặc trau dồi kỹ năng bổ trợ thay vì bỏ ngang. Ông cũng nhấn mạnh trong kỷ nguyên thay đổi nhanh chóng hiện nay, không ngành nghề nào bền vững mãi mãi, do đó sinh viên cần nâng cao khả năng thích ứng, học tập suốt đời và liên tục cập nhật kỹ năng mới, đặc biệt là công nghệ, để tránh bị “lỗi thời” trước khi hết tuổi lao động.
Từ nhận định từ các chuyên gia, Câu chuyện của Dũng và Tuyên cho thấy đại học vẫn quan trọng nhưng cần đổi mới, định hướng rõ ràng để sinh viên phát triển toàn diện.
Hơn 122.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đại học năm 2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong đợt 1 tuyển sinh đại học năm 2024, có 673.586 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ 551.479 xác nhận nhập học, tương đương 81,87%. Như vậy, khoảng 122.000 thí sinh đã bỏ học sau khi trúng tuyển, tăng nhẹ so với con số 118.000 năm 2023.
Tỷ lệ nhập học năm 2024 tăng gần 2% so với năm ngoái, một phần nhờ lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh, hơn 73.000 hồ sơ, gấp gần 10 lần so với năm 2023.
Tiêu chí 5.2 trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Tỷ lệ sinh viên thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không vượt quá 10%. Riêng với sinh viên năm nhất, tỷ lệ này không vượt quá 15%”. Quy định này nhằm siết chặt chất lượng đào tạo và tăng hiệu quả giám sát tại các cơ sở giáo dục đại học.
Dù vậy, nhiều lãnh đạo trường vẫn cho rằng việc áp dụng tiêu chí 5.2 cần linh hoạt hơn. Một số đề xuất nâng tỷ lệ thôi học tối đa lên 15% hoặc xem xét bỏ tiêu chí này, bởi trong bối cảnh các trường đang thực hiện cơ chế tự chủ, sinh viên có quyền chọn lựa hướng đi phù hợp và thôi học không nên bị xem là thất bại.
© vietpress.vn