hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Đề thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được đánh giá khó, dài và có tính phân hoá rất cao. Ngay cả những học sinh đạt IELTS 7.0 hay giáo viên nhiều năm kinh nghiệm cũng thừa nhận phải “căng não” mới hoàn thành bài làm.
Trong buổi chiều thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều thí sinh rời phòng thi với vẻ mặt căng thẳng, thậm chí không ít em thở dài thừa nhận “đề quá sức”.
Chia sẻ sau khi thi xong, em Nguyễn Thảo Minh (học sinh lớp 12, trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) cho biết em khá tự tin với môn tiếng Anh vì đã có chứng chỉ IELTS 6.5, nhưng khi cầm đề thi, Minh choáng váng: “Đọc mãi không hiểu đoạn về nông nghiệp số hoá. Em phải đoán đại vài câu, chắc không được quá 7 điểm đâu ạ”.
Tương tự, em Vũ Minh Châu, học sinh trường THPT Đống Đa, Hà Nội cũng cho biết đề thi năm nay “khác hẳn mọi năm”: “Em thấy nhiều từ chưa từng học trong sách. Bài đọc về ‘greenwashing’ hoàn toàn lạ lẫm, em không biết nghĩa, chỉ dựa ngữ cảnh để đoán”.
Nguyễn Gia Hân, học sinh lớp 12 trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), rời phòng thi với vẻ mặt mệt mỏi. Hân cho biết dù học thêm tiếng Anh từ lớp 9, từng đạt 9 điểm trong các kỳ thi thử, nhưng hôm nay em chỉ dám hy vọng đạt trên 6 điểm.
“Đề thi năm nay có nhiều từ vựng mà em chưa từng gặp, kể cả khi học IELTS. Bài đọc về công nghệ trong nông nghiệp khiến em choáng vì vừa dài vừa lắm thuật ngữ. Em mất quá nhiều thời gian để dịch, cuối cùng không làm kịp phần viết thông báo ở cuối đề”, Hân kể.
Không chỉ thí sinh, ngay cả giáo viên cũng thừa nhận độ khó của đề thi năm nay. Cô Nguyễn Thu Huyền, giáo viên chuyên luyện thi IELTS tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi làm thử đề mất gần 45 phút mới xong. Đề thi dài, lượng ngữ liệu lớn, lại sử dụng nhiều từ vựng chuyên ngành và cấu trúc phức tạp, đòi hỏi thí sinh phải thực sự hiểu bản chất”.
Theo cô Huyền, đề năm nay có tính phân hóa rõ rệt. Học sinh trung bình khó vượt qua mốc 5 điểm, học sinh khá giỏi mới mong chạm ngưỡng 8, 9 điểm. Dạng bài điền từ, nối đoạn, sắp xếp hội thoại - tất cả đều yêu cầu khả năng suy luận và kiến thức nền rộng, chứ không thể làm theo mẹo học tủ như trước.
Thầy Nguyễn Văn Huy, giáo viên luyện thi IELTS tại Hà Nội đánh giá: “Đề thi năm nay rất giống đề IELTS Academic về mức độ từ vựng và dạng bài. Nhưng với thời lượng 50 phút cho 40 câu, nhiều thí sinh sẽ không kịp làm hết, đặc biệt là những em học sinh vùng khó khăn, ít tiếp xúc với tiếng Anh thực tế”.
Thầy Huy chỉ rõ, nhiều đoạn đọc có độ dài tới 350 từ - vượt cả chuẩn độ dài quy định trong chương trình phổ thông. Ngữ liệu lại lấy từ báo chí, tờ rơi, tình huống đời thực thay vì văn bản SGK quen thuộc. Điều này khiến đề thi có tính ứng dụng cao, nhưng cũng đồng nghĩa với việc học sinh không còn “vùng an toàn” để trông chờ vào ôn tủ.
Từ góc độ chuyên môn, Cô Lê Bích Hương, giảng viên Đại học Hà Nội, giáo viên chuyên ôn luyện IELTS nhận định: “Đề thi năm nay có nhiều điểm tiến bộ. Dữ liệu thực tế, kiểm tra kỹ năng toàn diện hơn, không rập khuôn. Nhưng vấn đề là học sinh vẫn học theo sách giáo khoa, trong khi đề lại đang bám sát khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc. Nếu không có tài liệu và định hướng rõ ràng, học sinh rất khó chuẩn bị đúng cách”.
Cô Hương cho rằng, để tránh tình trạng học sinh bị “sốc đề”, Bộ GD&ĐT cần công bố rõ chuẩn đầu ra theo khung năng lực, đồng thời rà soát lại mức độ tương thích giữa đề thi và chương trình sách giáo khoa. “Cần giới thiệu tài liệu luyện tập phù hợp và từng bước đưa các kỹ năng nghe – nói – viết vào đề thi để phản ánh đúng năng lực thực tế của học sinh”.
Đồng tình với quan điểm này, cô Huyền chia sẻ: “Chúng ta cần đề phân hóa, nhưng đừng để thành rào cản. Nhiều học sinh học nghiêm túc, chăm chỉ nhưng vẫn loay hoay vì đề dài và lạ quá. Không phải ai cũng có điều kiện luyện IELTS hay đọc báo tiếng Anh mỗi ngày”.
Cô kiến nghị cần có phương án trung hòa: “Tăng thời lượng làm bài hoặc điều chỉnh độ khó, chọn chủ đề gần gũi hơn với học sinh phổ thông. Như vậy mới đảm bảo được tính công bằng cho mọi đối tượng dự thi”.
Lý giải về độ khó đề Toán, tiếng Anh tốt nghiệp, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, cấu trúc và nội dung đề thi năm nay thay đổi hoàn toàn so với các năm trước. Những thí sinh chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình học và ôn tập sẽ đáp ứng yêu cầu của đề thi tốt hơn những thí sinh khác. Độ khó của đề thi đã được ban chỉ đạo cấp quốc gia trao đổi, quán triệt trước khi làm đề.
"Trước khi hội đồng làm đề thi làm việc, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thử nghiệm đề diện rộng trên cả ba miền, thực chất là để đánh giá khả năng của các thí sinh nhằm điều chỉnh độ khó trong công tác làm đề", GS Hà nhấn mạnh. Quan điểm của Bộ GD&ĐT đây là trong năm đầu đổi mới sẽ không thay đổi trạng thái một cách đột ngột, bao gồm cả độ khó của đề thi.
© vietpress.vn