hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Tết Nguyên đán là cơ hội để tăng cường giáo dục con cái, thanh thiếu niên, những bài học đầy về phong tục và nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam, mang theo những giá trị, triết lý nhân văn cao đẹp mà ông cha ta đã sáng tạo, vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ. Chính vì thế, đối với mỗi gia đình, nhà trường, dịp lễ này chính là cơ hội để tăng cường giáo dục con cái, thanh thiếu niên, những bài học đầy về phong tục và nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Tết xưa – Tết nay
Tết Nguyên đán hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền. Đây là dịp Tết lớn nhất trong năm, là thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng. Trong những ngày này, không khí Xuân trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết, nhất là trong con mắt của trẻ thơ. Tết Nguyên đán chính là dịp để thể hiện đậm đà nhất những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc.
Là một người am hiểu và luôn lưu giữ những nét đẹp của văn hóa truyền thống, ông Lê Hồng Quang, Phó Chủ nhiệm CLB thơ Ca Trù, Trung tâm UNESCO Ca Trù cho biết, Tết Âm lịch chính là dịp mà mỗi đứa trẻ ngày xưa mong chờ nhất trong năm. Bởi chỉ khi đến Tết chúng mới được sắm quần áo mới, được lì xì, được thức đêm trông nồi bánh chưng, được đi chợ Tết… Đó là những điều mà mỗi đứa trẻ chỉ có vào dịp năm mới.
Nói đến những kỷ niệm về Tết, ông Lê Hồng Quang bồi hồi nhớ lại khoảng khắc gói bánh trưng, biểu tượng truyền thống của ẩm thực ngày Tết Việt Nam, gói ghép trong đó cả nền văn minh lúa nước dân tộc: “Những nguyên liệu còn thừa sau khi gói bánh sẽ được người lớn gói thành những “bánh chưng cua” cho mấy đứa nhỏ xách đi chơi, lúc nào đói thì ăn. Háo hức nhất là những lần ngồi trông nồi bánh chưng vì được thức đêm muộn và chơi bài tam cúc. Trẻ con ngày xưa một năm chỉ có duy nhất 2 ngày được thức đêm đó là đêm thức trông nồi bánh chưng và đêm giao thừa”.
Cũng là câu chuyện bánh chưng, nhưng bánh chưng thời nay, ngày thường cũng có. Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt, được duy trì tư thời vua Hùng đến giờ. Rất ít những đứa trẻ ngày nay biết được cách gói bánh chưng, việc chuẩn bị các nguyên liệu thế nào, sự tích bánh chưng ra sao cũng như hiểu được ý nghĩa từ các nguyên liệu. Từ câu chuyện bánh chưng, ông Lê Hồng Quang cho biết, chúng ta phải hiểu rằng, không phải duy trì cuộc sống mà còn phải duy trì cả cách làm, gìn giữ những giá trị đó.
“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là cách người Việt ta thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "tôn sư trọng đạo". Đây là nét đẹp truyền thống của người Việt đầu xuân năm mới. Sau khi hoàn thành đạo hiếu, chúc Tết họ hàng hai bên nội ngoại, cùng nhau quây quần để ăn bữa cơm năm mới, mùng 3 sẽ là chúc Tết thầy cô – những người có công dạy bảo ta nên người. Tất cả những hành vi Tết đó của người Việt đã tạo nên một phong tục lễ Tết rất nhiều ý nghĩa giáo dục và nhân văn, làm sâu sắc đặc trưng văn hóa điển hình của Tết Nguyên đán.
Song, với sự phát triển của công nghệ thông tin, với sự tiện nghi và đủ đầy, nhiều người hiện nay thường “đón Tết online”: ở trong nhà xem pháo hoa qua tivi, chúc Tết qua những tin nhắn trên điện thoại, mừng tuổi qua việc chuyển khoản ngân hàng. Thậm chí, đi du lịch xuyên Tết đang là xu hướng hiện nay khi nhiều gia đình lựa chọn việc đi du lịch đón Tết từ những ngày 28, 29 cuối năm cho đến mùng 4, mùng 5 Tết. Nhiều gia đình còn lựa chọn việc Những điều này đang dần khiến cho những giá trị truyền thống ngày Tết đang dần phai mờ.
“Chính nỗi sợ ngày Tết của người lớn đã khiến trẻ con không có cơ hội để hiểu biết về những văn hóa ngày Tết”, ông Lê Hồng Quang cho biết.
Ngày Tết dạy con trẻ những nét đẹp truyền thống
Tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên đã trở thành tâm thức hướng về cội nguồn, truyền thống văn hóa của đất nước. Theo các chuyên gia, đây là cảm hứng chủ đạo của Tết, tạo nên giá trị bền vững của lòng yêu quê hương, đất nước. Sự gắn kết cộng đồng bắt nguồn từ sự gắn kết gia đình.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng trường THCS Trần Duy Hưng, trẻ con ngày nay vẫn háo hức đến Tết vì được nghỉ học, được đi chúc Tết họ hàng, được về quê, đi chơi Tết. Mỗi gia đình có một quan điểm đón Tết khác nhau. Dù xu hướng đón Tết của nhiều gia đình hiện nay là đi du lịch nhưng theo cô Hằng, điều này không làm mất đi sự hiểu biết và yêu thích của các con về ngày Tết, các con vẫn ở bên gia đình, vẫn được nghe kể về những câu chuyện ngày Tết.
Cô Thu Hằng cho rằng, gia đình, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con cái những giá trị văn hóa truyền thống. Cha mẹ cần làm gương cho các con từ việc dọn dẹp, sắm sửa nhà cửa đến việc thực hiện chữ hiểu bằng sự lo lắng cho ông bà nội ngoại. Tận dụng khoảng thời gian ngày Tết để gắn kết tình cảm gia đình, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cùng làm, cùng chia sẻ những câu chuyện ngày Tết để con trẻ hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc.
Bên cạnh đó, giáo dục con trẻ về ngày Tết cổ truyền còn là trách nhiệm từ nhà trường. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, từ ngày thành lập trường đến nay, năm nào trường THCS Trần Duy Hưng cũng tổ chức chương trình Nét Xuân chào đón năm mới với mỗi năm một chủ đề. Đây là chương trình được các em học sinh mong đợi nhất năm, chương trình với ý nghĩa và mục tiêu giúp các em hiểu biết về những phong tục, những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của người Việt. Từ đó, sẽ bồi đắp được lòng hiếu thảo, tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Chương trình Nét Xuân với nhiều hoạt động thú vị, gần gũi nhưng đầy ý nghĩa như gói bánh chưng, các tiết mục văn nghệ, cuộc thi thư pháp “Khai bút hội xuân”, hoạt động múa sạp, kéo co…
Theo ông Lê Hồng Quang, sự khác biệt của Tết xưa – Tết nay chính là sự thay đổi tất yếu của thời đại. Giáo dục con trẻ về giá trị của Tết cổ truyền, văn hóa truyền thống của dân tộc là vô cùng quan trọng và cần thiết để tiếp nối những dòng chảy của văn hóa, của dân tộc đã kéo dài hàng nghìn năm và trao truyền qua nhiều thế hệ. Cha mẹ có thể kể những câu chuyện ngày Tết để lưu giữ ký ức cho con trẻ. Những câu chuyện ấy sẽ được bồi đắp qua từng năm và trở thành một phần truyền thống gia đình chứ không phải là sự áp đặt của cha mẹ. Đồng thời, hãy cho trẻ cơ hội tham gia vào các hoạt động Tết cùng cha mẹ để thấu hiểu hơn về lễ nghi, về truyền thống, về chữ hiếu. Tất cả hình ảnh ấy sẽ đi vào ký ức tuổi thơ các con về một phong tục Tết Việt đậm nét gia đình.
“Trẻ em đóng vai trò quan trọng trong ngày Tết”
GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch) nhận định, để gìn giữ những giá trị ngày Tết, con trẻ có ý thức và hiểu biết về những giá trị truyền thống là trách nhiệm của 4 “nhà”: nhà nghiên cứu văn hóa, nhà – gia đình, nhà báo (những người làm truyền thông) và nhà quản lý xã hội. Đề tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống đối với sự phát triển con trẻ, vai trò của lớp trẻ, thanh thiếu niên trong việc gìn giữ dòng chảy văn hóa của dân tộc, cần có sự đồng hành và tham gia của “4 nhà”.
Nói về xu hướng đi du lịch đón Tết của nhiều gia đình bây giờ, GS.TS Nguyễn Chí Bền cho biết, khi ở ngoài, chúng ta không có bối cảnh gia đình để giáo dục con trẻ về truyền thống gia đình, truyền thống đón Tết. Trẻ sẽ không có cơ hội trải nghiệm bữa cơm Tất niên, đón đêm giao thừa, thế nào là mừng tuổi, là thờ cúng ông bà tổ tiên… “Những đứa trẻ sẽ là người chịu thiệt thòi vì bây giờ nhiều nhà các con còn không biết Tết Nguyên đán như thế nào. Điều này không tốt cho việc hình thành thành nhân cách văn hóa ở mỗi đứa trẻ. Do đó, nếu gia đình có mong muốn ít nhất cũng để mùng 2, mùng 3 đi du lịch sẽ hợp lý hơn”, GS.TS Nguyễn Chí Bền cho biết. Tết cổ truyền với nếp sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa đã được gìn giữ và phát huy qua bao thế hệ. Cuộc sống hiện đại hội nhập đã làm thay đổi nhiều giá trị, quan niệm và lối sống. Do đó, cần giáo dục con trẻ những giá trị ngày Tết cổ truyền, để con trẻ thêm yêu, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống đó.
URL: https://vietpress.vn/de-con-tre-them-yeu-ngay-tet-co-truyen-d92133.html
© vietpress.vn