hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đúng chế độ theo quy định; thực hiện chi trả gộp hai tháng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá bất hợp lý;
Phối hợp, chỉ đạo các địa phương triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa;
Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán có kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, cung ứng liên tục, đầy đủ cho thị trường với giá hợp lý;
Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025;
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán;
Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng hàng không, các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các đơn vị chuẩn bị phương án vận hành hệ thống điện an toàn, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán;
Tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; hàng hóa vi phạm môi trường; các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, gạo, thực phẩm...).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025; phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn;
Xây dựng các kịch bản và chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cây trồng, con giống… phục vụ sản xuất, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh, thiên tai xảy ra để bảo đảm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm…) để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Bên cạnh đó, theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống Sởi, Sốt xuất huyết; các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông Xuân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta.
Đồng thời, tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ; chủ động các phương án bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người;
Bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển;
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trước, trong và sau dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo.
Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhVậy nất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, TP HCM, đầu mối giao thông lớn (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và khu vực tổ chức Lễ hội xuân.
Yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt; thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý;
Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, gây án đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; phát hiện và xử lý nghiêm các loại tệ nạn xã hội.
Chủ động đấu tranh, ngăn chặn không để diễn ra tình trạng sử dụng pháo nổ trái phép trong dịp Tết.
Đồng thời, Bộ Công an tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có phương án hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán;
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là liên quan đến sử dụng rượu, bia, chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, đồng bộ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch huy động, cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025;
Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá.
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm thanh khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán an toàn, thông suốt (đặc biệt là thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên hệ thống ATM, POS), đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp của từng địa phương, vùng, miền;
Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi về tâm linh tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; không để các đối tượng lợi dụng, tuyên truyền, kích động tụ tập đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo đến các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, đồng bào tại các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện tốt công tác giải quyết và chi trả các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho người hưởng; thực hiện chi trả gộp hai tháng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (tháng 1 và tháng 2/2025) vào kỳ chi trả tháng 1/2025 nhằm tạo điều kiện cho người thụ hưởng chính sách vui xuân, đón Tết.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương: Thông tin đầy đủ, kịp thời về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hoạt động thăm hỏi, chăm lo, chúc Tết, sự chia sẻ của cộng đồng dành cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và niềm vui của người dân được dọn về nhà mới được xây dựng trong chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát".
Cập nhật kịp thời thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, công tác quản lý thị trường, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, công tác phòng, chống cháy nổ trong các ngày trước, trong và sau Tết;
Cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch; tuyên truyền các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, các thành tựu của đất nước và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trong dịp Tết.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn, khả năng, điều kiện của địa phương quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, tổng kết năm, gặp mặt, hội nghị, Tết trồng cây… thiết thực, an toàn, tiết kiệm, không lãng phí, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán của từng địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước tăng cường công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực;
Thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức;
Không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi…
Không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công.
Tăng cường quán triệt, chỉ đạo, phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ tháng đầu năm nhất là thực hiện đúng tiến độ việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025.
© vietpress.vn