hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhấn mạnh rằng nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo cần đặt trách nhiệm xã hội lên trên lợi ích cá nhân, tránh để những thông tin sai lệch làm tổn hại niềm tin của công chúng.
Thời gian qua, không ít nghệ sĩ vướng ồn ào vì quảng cáo quá đà, từ thổi phồng công dụng sản phẩm đến lan truyền thông tin thiếu chính xác. Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Xuân Bắc đã chia sẻ quan điểm về vai trò, trách nhiệm của nghệ sĩ trong hoạt động thương mại, đồng thời đề xuất hướng xử lý nghiêm minh với các vi phạm.
Theo ông Xuân Bắc, nghệ sĩ không chỉ là người nổi tiếng mà còn mang sứ mệnh lan tỏa giá trị "Chân - Thiện - Mỹ". "Nghệ sĩ hay bất kỳ ai có sức ảnh hưởng đều phải tuân thủ pháp luật và trách nhiệm công dân. Giữa quyền lợi và trách nhiệm, trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu", ông khẳng định.
Ông cho rằng việc nghệ sĩ quảng bá sản phẩm dựa trên trải nghiệm thực tế là điều đáng khuyến khích, nhưng nếu cố tình quảng cáo sai sự thật để trục lợi, cần xem xét và xử lý nghiêm khắc. "Những người không đóng góp nghệ thuật thì khó gọi là nghệ sĩ đúng nghĩa", ông nói thêm.
Nhiều trường hợp nghệ sĩ gây tranh cãi chỉ dừng lại ở lời xin lỗi mà không chịu trách nhiệm cụ thể, khiến khán giả bức xúc. NSND Xuân Bắc cho rằng, ai nhận ra sai lầm và thành khẩn xin lỗi là điều đáng ghi nhận, nhưng "tha lỗi hay không là quyền của công chúng". Với hành vi cố ý lừa dối để vụ lợi, ông nhấn mạnh cần áp dụng pháp luật để xử lý.
"Dư luận đóng vai trò quan trọng, nhưng các nhà quản lý cần tỉnh táo, tránh bị cuốn theo thông tin sai lệch hay chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh", ông lưu ý. Ông cũng nhắc đến vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên từng xin lỗi vì quảng cáo "lố" kẹo Kera gây tranh cãi.
Để quảng cáo hiệu quả mà không gây tác động tiêu cực, ông Xuân Bắc khuyến nghị nghệ sĩ cần nâng cao nhận thức pháp luật và trở thành người tiêu dùng thông thái. "Họ phải chọn sản phẩm phù hợp, quảng bá trung thực để tránh trở thành nạn nhân của thông tin sai lệch, từ đó kéo theo người khác chịu thiệt", ông nói.
Ông cũng đánh giá cao xu hướng nghệ sĩ xây dựng đội ngũ quản lý và pháp lý chuyên nghiệp, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thương mại.
Trước câu hỏi liệu có nên siết chặt quản lý với nghệ sĩ vi phạm quảng cáo, ông Xuân Bắc khẳng định: "Đối với những người cố tình vi phạm có hệ thống, không rút kinh nghiệm, cần loại bỏ". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc xử lý phải công bằng, phân biệt rõ nghệ sĩ là nạn nhân hay chủ ý vi phạm, nhằm đảm bảo tính răn đe và bao dung của pháp luật.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn sắp tới sẽ tham mưu xây dựng quy định cụ thể, nâng cao nhận thức cho nghệ sĩ, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo môi trường hoạt động lành mạnh. "Chúng tôi đang nghiên cứu mô hình quản lý từ các nước phát triển, vận dụng linh hoạt vào thực tế Việt Nam", ông chia sẻ.
Với định hướng này, ông Xuân Bắc kỳ vọng xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ tài năng, trách nhiệm, góp phần lan tỏa giá trị tích cực cho xã hội.
Tháng 3/2025, vụ việc kẹo rau củ Kera liên quan đến việc sản phẩm này bị tố quảng cáo sai sự thật về hàm lượng chất xơ và nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và Hoa hậu Thùy Tiên đã quảng bá kẹo Kera, khẳng định nó bổ sung chất xơ tương đương rau tươi, nhưng kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chất xơ rất thấp. Công ty sản xuất và các cá nhân liên quan đã xin lỗi, cam kết hoàn tiền, trong khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử phạt.
© vietpress.vn