hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Giá vàng thế giới lập đỉnh lịch sử mới, kéo giá vàng trong nước lần đầu vượt mốc 124 triệu đồng/lượng, rồi giảm nhanh sau đó, hiện ở tầm 119,5 triệu đồng/lượng, khiến nhiều người đổ xô đi mua. Nhưng phía sau cơn “sốt vàng” này không chỉ là sóng gió toàn cầu, mà còn nằm ở những “nút thắt” ngay trong thị trường nội địa.
Thời gian gần đây, giá vàng thế giới liên tiếp lập đỉnh lịch sử. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 30%, vượt qua hàng loạt ngưỡng cản quan trọng. Trong phiên giao dịch ngày 22/4, giá vàng giao ngay có thời điểm chạm mốc kỷ lục 3.500,05 USD/ounce, trước khi điều chỉnh nhẹ về 3.467 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng cũng tăng mạnh theo đà tăng giá thế giới. Chiều ngày 22/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 122 - 124 triệu đồng/lượng. Tới sáng nay, 24/4, giá vàng miếng SJC ở mức 116,5 - 119,5 triệu đồng/lượng, tuy có giảm so với đỉnh 4,5 triệu đồng nhưng vẫn tăng hơn 40% so với mức 85 triệu đồng/lượng hồi đầu năm.
Sự tăng giá đột biến này đã khiến nhiều cửa hàng vàng tại Hà Nội và TP HCM rơi vào tình trạng quá tải, với hàng dài người xếp hàng chờ mua. Không ít cửa hàng thậm chí phải giới hạn số lượng bán ra cho mỗi khách hàng để đảm bảo phục vụ.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng giá vàng thế giới hiện nay là hàng loạt bất ổn về kinh tế - địa chính trị ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, người dân có xu hướng tìm kiếm các tài sản an toàn để bảo toàn giá trị tài sản của mình, và vàng chính là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Việc nắm giữ vàng cho phép phòng tránh rủi ro khi đồng tiền nội địa mất giá, bong bóng bất động sản hoặc tài chính xảy ra, hoặc khi có các cú sốc bất ngờ từ thị trường quốc tế. Một số quốc gia hiện nay cũng đang tích cực gia tăng dự trữ vàng nhằm phòng ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Mỹ tăng thuế đối với Hàn Quốc thì đồng Won rớt giá, tăng thuế với Nhật Bản thì đồng Yên rớt giá. Thì lúc đó người dân quy ra giữ USD hoặc là vàng. USD cũng rớt giá khi các nước tung thuế đáp trả Mỹ. Trong điều kiện các đồng tiền có sự chao đảo như vậy người ta sẽ ‘ôm vàng’. Chưa kể, còn có hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Nhiều yếu tố cộng hưởng khiến giá vàng tăng vọt”, chuyên gia phân tích.
Dù giá vàng trong nước vốn chịu sự chi phối rõ rệt từ thị trường thế giới, nhưng trong giai đoạn vàng “leo thang” như hiện nay, vấn đề khoảng cách giá giữa hai thị trường càng trở nên nổi cộm.
Thực tế cho thấy, mỗi đợt vàng tăng giá mạnh, giá trong nước thường tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới. Có thời điểm mức chênh lệch lên tới 20 triệu đồng mỗi lượng. Hiện nay, chênh lệch ở mức 12 - 14 triệu đồng.
Theo Nghị định 24/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng miếng, trong khi toàn thị trường chỉ có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp được cấp phép phân phối.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đặt ra vấn đề về tính minh bạch và hiệu quả điều tiết, trong đó có nguy cơ “bắt tay” nâng giá giữa các “đầu mối”.
Một vấn đề khác là Nhà nước hiện không nắm giữ dự trữ vàng đáng kể, nên khả năng can thiệp hạn chế khi giá vàng tăng.
Chuyên gia kết luận rằng, để giảm sự bất cân đối và rủi ro trên thị trường vàng, Việt Nam cần sớm có các động thái điều chỉnh. Trong đó, quan trọng nhất là minh bạch hóa thị trường, đặc biệt là hoạt động của các đầu mối nhập khẩu và phân phối.
Đồng thời, xem xét mở rộng số lượng đầu mối, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nhằm giảm sự phụ thuộc vào một nhóm độc quyền.
Năm 2024, thời điểm giá vàng thế giới lập đỉnh, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu. Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN sau đó chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Từ đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15 - 18 triệu đồng/lượng giảm còn khoảng 3-4 triệu/lượng.
Thời điểm tháng 11/2024, trả lời chất vấn quốc hội về quản lý thị trường vàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, tinh thần Ngân hàng Nhà nước là không khuyến khích người dân trữ vàng, đặc biệt là vàng miếng nên Nhà nước có chính sách độc quyền để xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh vàng miếng.
Về giải pháp căn cơ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.
Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.
Trước các đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng, Thống đốc cho biết, sàn vàng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn. Một số nước trên thế giới đã thành lập sàn vàng. Song để thành lập sàn vàng cũng cần đầu tư về cơ sở hạ tầng. Hơn nữa Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng.
"Như vậy, để thành lập sàn vàng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam", Thống đốc cho biết.
Hôm 18/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước. Trong đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ...; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.
© vietpress.vn