hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Việt Nam mở rộng chính ngạch thêm 4 mặt hàng vào Trung Quốc. Dù kim ngạch tăng mạnh, hành trình chinh phục thị trường tỷ dân vẫn nhiều thách thức về chất lượng, tiêu chuẩn và liên kết chuỗi.
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, bốn nghị định thư đã được ký kết, đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai quốc gia. Các mặt hàng được mở rộng chính ngạch bao gồm: Ớt, chanh leo, tổ yến và cám gạo.
Tính đến tháng 4/2025, Việt Nam có 14 loại nông sản được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, mít, sầu riêng, khoai lang, tổ yến, măng cụt, chanh leo và thạch đen. Trong đó, có 6 mặt hàng đã được chuẩn hóa quy trình xuất khẩu thông qua việc ký kết các nghị định thư giữa hai nước và một số mặt hàng đang trong giai đoạn thí điểm. Riêng mặt hàng chanh leo và ớt đang được xuất khẩu thí điểm.
Đặc biệt, sầu riêng đang trở thành “ngôi sao” của ngành trái cây xuất khẩu. Từ mức kim ngạch 230 triệu USD năm 2021, đến năm 2023 con số này đã bùng nổ lên tới 2,3 tỷ USD, gần gấp 10 lần chỉ sau hai năm. Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, phản ánh rõ sức hút mạnh mẽ của loại quả này tại thị trường tỷ dân.
Theo tổng cục thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 9,26 tỷ USD, trong đó rau quả chiếm 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ. Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã mua 501,37 triệu USD rau quả Việt, chiếm tới 61% tổng kim ngạch toàn ngành.
Số liệu quý I/2025, tiếp tục khẳng định xu hướng tích cực: Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 521,2 triệu USD, chiếm gần 48% toàn ngành. Các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít vẫn giữ phong độ cao. Trong khi, sản lượng cây ăn trái như cam, xoài, chuối, vải… đồng loạt tăng.
Tuy nhiên, phía sau những con số ấn tượng ấy là biết bao nỗ lực âm thầm của người nông dân.
Anh An, chủ vườn sầu riêng rộng hơn 5ha ở Đắk Lắk chia sẻ: “Chưa bao giờ nghĩ trái sầu riêng quê mình lại có thể vào siêu thị Trung Quốc. Nhưng chuyện giá cả bấp bênh vẫn luôn canh cánh trong lòng. Năm được giá thì thương lái tranh mua, năm mất giá thì trái đổ vườn. Mình làm nông mà như đánh bạc với thời tiết, thị trường”.
Câu chuyện của anh An không phải là cá biệt. Ở một vùng đất khác của miền Tây, những ngày này, anh Lân, chủ vườn trái cây tại Tiền Giang đang tất bật cùng các thành viên trong gia đình, chuẩn hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, làm mã số vùng trồng để đưa trái cây quê nhà đi xa hơn, vào các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc.
Chị Liên, một hộ trồng vải tại Bắc Giang kể: “Xin mã số vùng trồng và nơi đóng gói sản phẩm đúng chuẩn xuất khẩu phải làm trước cả năm, mà sai một lỗi nhỏ là bị trả hồ sơ ngay. Mùa vải chỉ thu hoạch trong 2 tháng, nếu làm không kịp là coi như mất trắng cơ hội”.
Thực tế, nhiều nông sản Việt vẫn đang lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Hình thức này dễ phát sinh rủi ro như ùn tắc biên giới, thay đổi chính sách cửa khẩu hay bị trả hàng vì không đạt chuẩn. Tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn là bài toán đau đầu với cả người trồng lẫn doanh nghiệp.
Đó cũng là nỗi trăn trở chung của nhiều địa phương. Làm sao để nông dân không bị “gãy gánh” giữa đường chỉ vì thiếu thông tin, thiếu định hướng hay thiếu đầu tư về tiêu chuẩn chất lượng.
Vì vậy, việc mở rộng xuất khẩu chính ngạch không chỉ là mục tiêu của ngành nông nghiệp, mà còn là chiến lược sống còn để nâng tầm giá trị nông sản Việt. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), triển vọng xuất khẩu rau quả năm 2025 rất tích cực. Ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: Thái Lan tăng 125%, Hàn Quốc tăng 52%, Mỹ tăng 24,5% và khối ASEAN tăng 40%.
Song, theo đại diện VINAFRUIT, để duy trì được đà tăng trưởng này, nông dân không thể “chơi đơn lẻ”. Họ cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ chính quyền, hiệp hội ngành hàng, hệ thống phân phối và doanh nghiệp thu mua. Khi từng mắt xích trong chuỗi giá trị được gắn kết, từ vùng trồng đến bàn ăn quốc tế, nông sản Việt mới có thể bước đi bền vững, vươn xa không chỉ một mùa mà là cả một hành trình.
© vietpress.vn