hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
10 năm sau khi nổi tiếng vì giống Jack Ma, cậu bé Phạm Tiểu Cần đã trở lại làng quê nghèo khó. Câu chuyện của cậu là một bi kịch đau xót về sự tàn khốc của ngành công nghiệp "sao nhí" trên mạng.
10 năm trước, cái tên Phạm Tiểu Cần, hay còn được biết đến với biệt danh "Tiểu Jack Ma" hay "Tiểu Mã Vân" đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội Trung Quốc. Một bức ảnh tình cờ đã thay đổi cuộc đời cậu bé 7 tuổi nghèo khó ở Giang Tây khi ngoại hình của cậu giống một cách đáng kinh ngạc với nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma. Song, 10 năm sau, ánh hào quang đã tắt, những gì còn lại chỉ là một bi kịch đau xót về một tuổi thơ bị đánh cắp và một tương lai mờ mịt.
Ngay sau khi nổi tiếng, sự nhạy bén của giới kinh doanh đã tìm đến gia đình Tiểu Cần. Một công ty môi giới đã ký hợp đồng với cha cậu, một người nông dân thậm chí còn không đọc rõ được tên công ty. Họ đã "đóng gói" Tiểu Cần thành một ngôi sao nhí, cho cậu mặc vest, đưa cậu đến các sự kiện thương mại, các chương trình giải trí. Cậu bé 8 tuổi khi đó đã trở thành một "cỗ máy kiếm tiền", một "IP" có giá trị.
Kể từ khi xuất hiện, Tiểu Cần gắn liền với biệt danh "Tiểu Mã Tổng", "Thái tử gia Alibaba", "Tiểu Jack Ma". Sự xuất hiện của cậu được thiết kế một cách tỉ mỉ, đứng bên cạnh những chiếc xe sang trọng, phía sau là những tấm biển hiệu thương hiệu nổi bật, khán giả đáp lại bằng những tràng cười và vỗ tay. Mỗi câu nói, mỗi cử chỉ của cậu đều trở thành đề tài bàn tán.
Phạm Tiểu Cần mới 8 tuổi, chưa hiểu "giá trị IP" là gì. Cha của cậu, ông Phạm Gia Phát, nhớ lại rằng, khi công ty môi giới đưa hợp đồng đến, ông thậm chí còn không đọc rõ được bốn chữ "công ty môi giới".
Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó là một sự thật phũ phàng. Việc học của Tiểu Cần bị bỏ bê hoàn toàn. Cậu được gửi đến một trường học đặc biệt nhưng thực chất chỉ là để "chụp ảnh check-in" chứ không phải để học.
Khi Tiểu Cần lớn lên, những dấu hiệu phát triển bất thường ngày càng rõ rệt, chiều cao không phát triển, khả năng ngôn ngữ và nhận thức tụt hậu nghiêm trọng, cậu không thể làm được những phép tính cộng trừ đơn giản. Cậu giống như một đứa trẻ không lớn, mãi mãi dừng lại ở giai đoạn trẻ thơ. Những vết kim tiêm đáng ngờ trên người Tiểu Cần càng làm dấy lên nghi ngờ từ bên ngoài về việc cậu đã từng bị lạm dụng quá mức.
Cả gia đình Tiểu Cần cũng bị cuốn vào vòng xoáy của lưu lượng. Người cha tàn tật, người mẹ thiểu năng trí tuệ, sống trong một ngôi nhà do người khác quyên góp xây dựng, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào tiền ủng hộ từ các buổi livestream và thi thoảng là những phong bao lì xì.
Khi không còn thu hút được người xem nữa, giá trị của Tiểu Cần đã hết, bi kịch ập đến. Năm 2021, sau khi Tiểu Cần bị chẩn đoán là thiểu năng trí tuệ cấp độ hai, công ty môi giới đã ngay lập tức chấm dứt hợp đồng với lý do "không thể hợp tác biểu diễn", đẩy cậu trở về với làng quê nghèo khó.
Bi kịch vẫn chưa dừng lại. Người anh họ của Tiểu Cần tiếp tục biến cậu thành một công cụ kiếm tiền. Anh ta mở một quán ăn mang tên "Tiểu Jack Ma" và bắt cậu bé phải biểu diễn, chụp ảnh với khách du lịch mỗi cuối tuần. Tiểu Cần chỉ biết lặp đi lặp lại một câu thoại đã được dạy sẵn: "Tôi muốn kiếm tiền để cưới vợ".
Trớ trêu thay, khi được hỏi trong tài khoản có bao nhiêu tiền, cậu chỉ có thể lí nhí trả lời: "Cháu không biết đếm".
"Gia đình chúng tôi là những người ăn xin nổi tiếng trên mạng, chẳng kiếm được đồng nào cả", lời nói đầy chua chát của ông Phạm Gia Phát, cha của Tiểu Cần, đã lột tả toàn bộ bi kịch. Trong khi người anh họ lái xe sang, ở biệt thự, tài khoản ngân hàng của Tiểu Cần chỉ còn lại một số dư ít ỏi.
Câu chuyện của "Tiểu Jack Ma" không chỉ là bi kịch của một cá nhân. Nó đã trở thành một lời cảnh tỉnh đanh thép, phơi bày những góc khuất tăm tối của ngành công nghiệp "sao nhí" trên mạng tại Trung Quốc. Nó cho thấy sự thiếu sót trong các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, sự sụp đổ của các giá trị đạo đức trước sức mạnh của đồng tiền. Một đứa trẻ thiểu năng đã bị biến thành một công cụ, bị lợi dụng đến kiệt quệ rồi bị vứt bỏ không thương tiếc, chỉ còn một tương lai vô định và một câu hỏi nhức nhối cho toàn xã hội.
URL: https://vietpress.vn/bi-kich-cua-tieu-jack-ma-bi-loi-dung-10-nam-tuong-lai-mo-mit-d98394.html
© vietpress.vn