Bát nháo thị trường saffron: Đừng tin quảng cáo
Chưa bao giờ saffron (nhụy hoa nghệ tây) lại “sốt nóng” như hiện nay. Saffron tràn ngập khắp mọi nơi, tiếp cận khách hàng theo nhiều hướng, từ bán hàng online, xách tay đến các công ty chính thống. Tuy nhiên, liệu saffron có nhiều tác dụng như quảng cáo hay không lại là vấn đề ít được quan tâm.
Saffron lên “cơn sốt”
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, saffron được người tiêu dùng Việt nhắc đến nhiều. Đỉnh điểm là từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, saffron đã trở thành “hàng hóa quốc dân” khi được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Các công ty chuyên kinh doanh mặt hàng này liên tục được thành lập và giới thiệu trước công chúng. Không chỉ có vậy, những người đi du lịch tại Iran - “thủ phủ” saffron hoặc các nước lân cận Iran đều hồ hởi khoe mua saffron xịn về để dùng hoặc bán lại.
Nguyên nhân khiến saffron tạo thành trào lưu tiêu dùng chính là những tác dụng được quảng cáo “thần kỳ” của nó. Saffron là sợi nhụy hoa của cây nghệ tây (Crocus Sativus) thuộc họ Diên Vĩ. Theo giới thiệu của nhiều công ty và các trang bán hàng online, saffron được FDA Hoa Kỳ chứng nhận có công dụng: Tăng cường trí nhớ, giảm mất ngủ, điều trị trầm cảm, làm đẹp da, làm sáng mịn da, chống lão hóa, phòng ngừa và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư, tăng cường sức khỏe tim mạch và huyết áp, cải thiện thị lực mắt, hỗ trợ điều trị thoái hóa điểm vàng, tăng cường sinh lý tự nhiên...
Với điều kiện thời tiết thuận lợi, Iran là nơi tập trung 80-90% sản lượng saffron trên toàn thế giới với chất lượng và giá đắt đỏ nhất.
Trên thị trường Việt Nam, saffron rơi vào tình trạng... loạn giá. Saffron trung cấp có nơi rao bán chỉ 130.000 đồng/g nhưng ở nơi khác được “hét” lên tới 350.000 đồng/g. Saffron cao cấp có giá dao động trong khoảng 400.000-500.000 đồng/g. Đó cũng là mức giá mà nhiều du khách phải chi ra để mua saffron khi đi du lịch Iran, Dubai hay Ai Cập.
Thật giả lẫn lộn
Là mặt hàng có giá trị cao nên saffron không thể thoát được vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Đây là câu chuyện buồn của chị Ngọc Kiều, một người mua saffron theo con đường xách tay.
Chị Ngọc Kiều cho biết, một người bạn đang du lịch Ai Cập có mối hàng saffron ngon - bổ - rẻ, chỉ 8 triệu đồng cho 8 hộp, mỗi hộp 10g. Tính ra saffron này có giá 100.000 đồng/g.
Vì ham của rẻ nên chị Ngọc Kiều đồng ý mua ngay. Tuy nhiên, khi đem ra sử dụng, chị mới phát hiện đây là hàng giả. Chị kể: “Tôi thả saffron vào nước, ngay lập tức nước loang sang màu đỏ. Nhụy hoa bị nhũn và đứt ra làm nhiều mảnh. Nếu chưa từng sử dụng, tôi sẽ không phát hiện ra hàng giả. Nhưng tôi biết đôi chút về sản phẩm này. Nếu là hàng thật, khi thả vào nước sẽ mất một khoảng thời gian nước mới chuyển sang màu vàng trong veo. Nhụy hoa vẫn còn cứng nguyên và không hề đứt gãy”.
Chị Ngọc Kiều cho biết tai hại ở chỗ ngay sau khi mua, chị đã nhanh nhảu biếu người quen. Và chị bị mắng vốn vì tội biếu saffron giả.
Đừng tin quảng cáo
Sở dĩ saffron bị làm giả tràn lan là do nó được quảng cáo có quá nhiều công dụng nên giá đội lên cao, mang lại nguồn lợi khổng lồ. Người tiêu dùng cứ mải mê mua loại dược phẩm quý hiếm này mà không quan tâm liệu những lời quảng cáo “trên mây” kia có đúng sự thật hay không.
TS. Tống Khiêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, không chỉ riêng saffron, tất cả hàng hóa nhập ngoại đều phải được cơ quan chức năng cho phép sử dụng thì mới đáng tin cậy. Các sản phẩm này phải có nhãn mác, tem Việt Nam. Các trang mạng, công ty kinh doanh nếu không có căn cứ, không được phép tuyên truyền.
Vì vậy, dù các công ty có tự giới thiệu là nhà phân phối độc quyền từ Iran thì khách hàng cũng cần phải kiểm tra thông tin về giấy phép, công dụng sản phẩm hàng hóa do các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp.
Bên cạnh đó, khi quyết định mua saffron, khách hàng cũng nên “bỏ túi” các cách phân biệt saffron thật, giả. Theo đó, có 5 cách phổ biến được chia sẻ.
Thứ nhất, phân biệt bằng cách quan sát màu sắc, saffron thật có màu đỏ thẫm, đều đặn. Thứ hai, saffron thật có vị ngọt, chứ không hề đắng. Thứ ba, saffron có mùi mật ong và cỏ khô. Thứ tư, khi ngâm vào nước, saffron thật phải mất hơn 10 phút mới tiết ra nước vàng óng, đẹp mắt. Dù ngâm lâu, saffron cũng không bị đứt gãy. Thứ năm, khi trộn saffron với bột baking soda và nước, saffron thật làm nước ngả sang màu vàng, ngược lại, nước sẽ chuyển sang đỏ cam.
Bảo Linh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm