NSND-TS Bạch Tuyết: “Cải lương là hơi thở thanh âm của người Việt”
Nhân kỷ niệm bộ môn nghệ thuật Cải lương Việt Nam tròn 100 năm, ắt hẳn hơn ai hết NSND-TS Bạch Tuyết - người đã dành cả cuộc đời để cống hiến và phục vụ cho cải lương, người được khán giả mộ điệu gọi với cái tên thân thương nhưng cũng đầy trân trọng “Cải lương chi bảo” - sẽ có rất nhiều tâm sự không chỉ về sân khấu cải lương mà còn về những người đã trót yêu và mang duyên nợ với loại hình nghệ thuật truyền thống tinh hoa dân tộc này.
Theo cô giá trị lớn nhất mà cải lương đã mang lại trong suốt 100 năm qua là gì?
- Nghệ thuật, dĩ nhiên là mang lại giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ; cải lương là một bộ môn nghệ thuật, hẳn là không nằm ngoài các giá trị mà nó cống hiến cho cộng đồng. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, cải lương một mặt mang tinh thần yêu nước và ý thức chống ngoại xâm giành lại độc lập. Mặt khác, về hình thức nghệ thuật, cải lương trong thời điểm tiếp biến văn hóa ấy đã góp phần quan trọng vào cuộc canh tân xã hội, vào ý thức hoàn thiện chữ quốc ngữ ở giai đoạn đầu thế kỷ 20. Đi qua 100 năm, cải lương luôn đồng hành cùng sức sống dân tộc, là “vũ khí” cùng góp tiếng nói phản kháng các cuộc áp bức, đô hộ; là tiếng lòng khao khát hòa bình, độc lập, thể hiện tình yêu non nước của nhân dân Việt Nam; đồng thời kêu gọi đoàn kết, giữ gìn, bảo vệ, phát huy nét đẹp ngàn đời của văn hóa dân tộc (Điển hình hai vở diễn đầu tiên ra mắt loại hình nghệ thuật cải lương được chuyển thể dựa trên hai tác phẩm: Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu)…. Tất cả, đã tạo nên giá trị nền tảng của bộ môn nghệ thuật cải lương.
Là người đã từng chứng kiến những thăng trầm của sân khấu, có bao giờ cô xót xa về thời hoàng kim đã qua của cải lương?
- Nếu đặt trong quy luật cạnh tranh thì sự tăng - giảm, lên - xuống, mạnh - yếu đều được phân tích, nhìn nhận và có giải pháp một cách cân bằng và công bằng cho chính cải lương nói riêng và mọi thứ. Vì thế, tôi chỉ quan tâm đang và sẽ tiếp tục làm được gì cho nghề, cho công chúng, thay vì ngồi quay mặt mà xót xa, nuối tiếc hay dửng dưng. Trong tôi luôn có niềm tin một cách mạnh mẽ rằng, cải lương là hơi thở thanh âm của người Việt, là tiếng lòng ngân nga của mọi người dân Nam bộ nên tôi bình thản đi tiếp con đường nghề của mình cùng với nhiều đồng nghiệp, nhiều khán giả của tôi.
Như vậy, theo cô hiện nay cải lương có phản ánh được những vấn đề của xã hội?
- Nghệ thuật nói chung, cải lương nói riêng luôn là sự phản chiếu đời sống xã hội, tâm trạng con người. Không cứ gì phải là tuồng tâm lý xã hội thì mới thuộc về xã hội, mới được xem là phản ảnh “những vấn đề của xã hội hiện đại”. Trong xưa có nay, mượn tích cũ mà nói chuyện ngày nay… Cải lương, là tuồng tích, trích đoạn hay bài tân cổ, nếu chứa đựng trong nó nội dung và hình thức phản ảnh chỉnh thể thì đều là tiếng nói cần thiết cho hiện thực cuộc sống. Chỉ có điều, chất lượng phản ảnh có đến được với công chúng, có đánh thức thực tế, có góp phần thanh lọc tâm hồn khán giả hay không đó là điều mà cải lương cần suy nghĩ, đầu tư thấu đáo, thực chất.
Vở diễn “Thái hậu Dương Vân Nga” kinh điển đang được phục dựng lại bởi các nghệ sĩ có tuổi nghề trẻ hơn cô. Là một người đã từng ghi dấu ấn sâu sắc với vai diễn này, cô có nghĩ đây là một sự liều lĩnh?
- Mỗi tác phẩm khi đã được công chúng đóng dấu đều có từng số phận, thời điểm đặc biệt của tác phẩm đó, không thể thay thế. Nhưng nghệ thuật lúc nào cũng phải mới, cho dù cái mới đôi khi chưa thuyết phục, vì vậy, tôi nghĩ nên khuyến khích.
Cải lương là uỷ mị, là buồn bả nên giới trẻ không hào hứng tìm hiểu về nó, suy nghĩ này có đúng không thưa cô?
- Sai. Ủy mị, buồn bã là một trong những sắc thái tâm trạng của con người, của số phận nhân vật; nó không phải là tính chất của một loại hình nghệ thuật, nhất là với cải lương - vốn mang tính tổng hợp và tính chỉnh thể nghệ thuật. Đôi khi, người ta vẫn nhầm lẫn do thói quen mặc định mà chưa kịp suy xét, nhìn nhận cho công bằng và đúng, ít nhất là với một loại hình sân khấu dân tộc có tính phổ biến cộng đồng rộng rãi như cải lương.
Trong những năm gần đây, có một số cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương trên sóng truyền hình được cải biên về nội dung, hình thức để thu hút khán giả. Cô có nghĩ rằng đây có phải là một hướng đi dài hơi và chắc chắn để khán giả quay trở về với cải lương?
- Càng xuất hiện nhiều chương trình mới càng có cơ hội cho khán giả chọn lựa, đây là điều hấp dẫn đối với tôi. Có những sự việc trong đời đến - đi chúng ta không nên khiên cưỡng đó là nghệ thuật và tôn giáo. Con người biết mình muốn gì và trách nhiệm điều họ muốn. Nhờ nghệ thuật con người biết tự mình làm đẹp, nhờ tôn giáo con người hướng mình tới lẽ phải, chân lý! Khán giả không đi, không trở về mà họ vẫn đang hồn nhiên thưởng thức cải lương cũng như những loại hình truyền thống khác của dân tộc.
Từ các ca khúc hit của giới trẻ, cô đã "cover" thành cải lương, có người cho rằng đó là cách làm mới cải lương, giúp cải lương đến gần hơn với người trẻ, có người thì lại nói làm như vậy mất đi sự tôn nghiêm của cái lương. Với cô, cô nghĩ thế nào khi “cải lương hoá” nhạc trẻ?
- Vừa rồi tôi xin phép tác giả trẻ “ cover” một số bài nhạc tôi yêu thích, ấn tượng, theo hình thức Vọng cổ cải cách và nhận được sự ủng hộ, yêu thích của nhiều khán giả, nhất là các khán giả trẻ. Điều nầy không dính dáng gì đến sự gọi là “tôn nghiêm“ của cải lương! Tôi cũng muốn nói rằng, đừng bao giờ chủ quan cho rằng người trẻ nông nổi, hời hợt. Đơn giản, họ đi tìm cái họ muốn và họ luôn tìm học cách làm chủ điều họ yêu thích, lựa chọn, quyết định.Tôi tin họ thích cải lương theo cách của họ, cái cách mà dùng một chiếc smartphone để doawload những bài hit, những bản vọng cổ, thậm chí, đôi khi là một lớp phụng hoàng…
Cô có thể chia sẻ với những người trẻ đam mê cải lương một lời khuyên, để họ có thể tiếp tục giữ niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc trong thời đại mà nhiều người cho rằng cải lương đã “lỗi thời”.
- Khi đã có đam mê, họ sẽ biết cách giữ lửa đam mê ấy. Lời khuyên của tôi chính là những công việc mà tôi vẫn đang làm mỗi ngày cho cải lương, trong đó có 2 suất biểu diễn mỗi tuần tại Đêm Hoa Lệ (Nhà hát Chợ Lớn - Q.5), khán giả vẫn đến đông mỗi tuần, nếu không vì tình yêu dành cho cải lương, cho nghệ thuật thì chẳng ai đủ sức lôi cuốn bạn, dẫn dắt bạn. Bởi suy cho cùng, chính tình yêu và sự thủy chung của khán giả đã lưu giữ đam mê cho chính nghệ sĩ, giúp chúng tôi đi miệt mài và tận tụy, hạnh phúc và thăng hoa cùng sân khấu cải lương.
Cảm ơn cô, chúc cô luôn thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục cống hiến và phục vụ cho khán giả yêu mến Cải lương!
Đức Tiến
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch