50.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam không biết tình trạng bệnh của mình
“Hãy biết về tình trạng nhiễm HIV của bạn” là thông điệp hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12).
Năm nay, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12/2018), cùng với các hoạt động hàng năm có thêm chủ đề “Hãy biết về tình trạng nhiễm HIV của bạn”- hướng tới các chiến dịch nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới và tạo điều kiện để những người này có điều kiện tiếp cận với thuốc điều trị, hướng tới mục tiêu 90-90-90. Tức là 90% số người nhiễm HIV phải được biết về tình trạng của mình. Hai mục tiêu 90 còn lại là 90% số người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV và 90% những người điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS diễn ra sáng 30/11 tại Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai công bố những số liệu: Tại Việt Nam hiện có hơn 250.000 đang chống chọi, sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. 100.000 trường hợp đã tử vong. Việt Nam là nước có tình trạng nhiễm HIV cao tại châu Á-Thái Bình Dương, với tỷ lệ nhiễm là 0,3% dân số.
Video: PGS. TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12/2018)
Câu chuyện của người nhiễm “H” vượt qua sự tự kỳ thị kỳ bản thân
“Giảm sự kỳ thị với người nhiễm HIV, coi đây là căn bệnh mãn tính”, câu nói này PGS. TS Nguyễn Quốc Anh đã được chứng minh với những câu chuyện thực, những con người nhiễm “H” ngoài đời thực, khi họ không chỉ vượt qua bệnh tật, chiến thắng sự kỳ thị để trở thành nhân vật truyền cảm hứng tích cực cho hàng nghìn người có cùng cảnh ngộ.
Trả giá cho những năm tháng “ngông cuồng” của tuổi trẻ, anh Hà Quang Hiệp (SN 1978, ở Hải Phòng) mắc phải căn bệnh thế kỷ sau một lần chung kim tiêm với bạn nghiện.
Nghiện, nhiễm “H” khi 27 tuổi, anh Hà Quang Hiệp đã có lúc cảm thấy cuộc đời mình không lối thoát, tự kỳ thị bản thân, xa lánh bạn bè, người thân, buông xuôi, thậm chí là không thiết sống...
Năm 2008, khoảng sau 3 năm phát hiện có HIV, anh Hiệp đã được vận động tham gia vào nhóm và được tư vấn điều trị methadone, điều trị HIV bằng thuốc ARV (thuốc ức chế sự phát triển của virus HIV)… Sau đó, qua tuyên truyền, vận động, anh bắt đầu thay đổi, đoạn tuyệt được với ma túy và sống tích cực.
Trong 6 năm qua, cuộc đời của anh Hiệp đã sang trang mới và anh còn trở thành một người có ích cho cộng đồng, cho xã hội.
Hiện tại, mọi người gọi anh với nhiều nhiều biệt danh khác nhau như: “Hiệp bác sĩ”, “Hiệp chuyên gia”, “Hiệp sĩ cứu sốc”… bởi anh đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt của nhóm “Vòng tay bè bạn” - chuyên hỗ trợ những người nghiện và nhiễm HIV trên địa bàn TP Hải Phòng.
Từ năm 2013 đến nay, bản thân anh Hiệp đã cứu sốc bằng thuốc cho hơn 500 người, ép tim, hà hơi, thổi ngạt cứu được hơn 1.000 người. Anh cùng nhóm đã tư vấn, giới thiệu các địa chỉ hỗ trợ, giúp tìm việc làm…
Không ngần ngại chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình, gạt đi những ánh mắt kỳ thị, ái ngại, anh Hiệp thường xuyên tham gia các buổi truyền thông, chia sẻ những trải nghiệm “xương máu” cùng sự đổi thay của mình...
Điều đáng quý nhất mà những người như anh Hiệp đã và đang làm được chính là thay đổi nhận thức của xã hội đối với những người từng lầm lỡ, lạc chân đi vào “cái chết trắng” và những người nhiễm “H”.
“Phần nổi của tảng băng trôi”
TS. Linus Olson, Phó Giám đốc Dự án Hợp tác Nghiên cứu và Đào tạo (TRAC) Việt Nam-Thụy Điển cảnh báo, số người phát hiện nhiễm HIV/AIDS mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.
Những người làm y tế cần tự bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác. Ông khẳng định, tại Việt Nam, chương trình phòng chống HIV/AIDS được triển khai tích cực và được biết đến rộng rãi.
“Chúng tôi sẽ xem xét các mô hình điều trị khác nhau với người nhiễm HIV, từ đó đánh những tác động khác nhau của những mô hình này. Chúng tôi hiện có thể sử dụng kết quả của nghiên cứu này và chúng tôi mong muốn mở rộng nghiên cứu với trẻ em và trẻ vị thành niên. Khi triển khai nghiên cứu, chúng tôi cần sự hỗ trợ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt từ những bác sĩ trẻ. Chúng tôi rất cần đội ngũ bác sĩ trẻ để dễ dàng tiếp cận với những đối tượng nhiễm HIV là trẻ em và đang ở độ tuổi vị thành niên”, TS. Olson khẳng định.
Trả lời PV VOV.VN, PGS. TS Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam hiện còn khoảng 50.000 người không biết tình trạng nhiễm HIV của mình, do vậy, các chương trình phòng chống HIV năm nay tập trung vào việc phát hiện sớm, đưa những người bị nhiễm vào chương trình điều trị, nhằm hướng tới mục tiêu 90.
“Trong năm nay, phòng khám ngoại trú HIV thực hiện mục tiêu tăng cường xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người có HIV. Đồng thời khuyến cáo các bệnh nhân được điều trị ổn định để được đo tải lượng virus định kỳ và được lĩnh thuốc 2-3 tháng/lần. Chúng tôi cũng hướng tới việc điều trị sớm để giảm những nhiễm trùng cơ hội, đo tải lượng virus, phát hiện kháng thuốc, đánh giá thất bại điều trị, đặc biệt là tuyên truyền giáo dục để nhân viên y tế và bệnh nhân không kỳ thị người có HIV”, ông Nguyễn Duy Cường cho biết./.
Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở điều trị HIV lớn tại khu vực miền Bắc, có phòng khám ngoại trú HIV và có khoa vi sinh - nơi được Bộ Y tế giao thực hiện các xét nghiệm khẳng định và do tải lượng virus cho các bệnh nhân HIV. Phòng khám ngoại trú đặt tại Khoa Truyền nhiễm đã có 2.000 bệnh nhân đăng ký và có trên 1.500 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV.
Hoàng Lê
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội